KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Dạy học trực tuyến: cần hiểu đúng trước khi nói đến chất lượng

Mở đầu

Trong dòng thời sự về việc dạy học trực tuyến (DHTT) ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, có thể nhận thấy hai dòng quan niệm trái ngược nhau. Một bên là mọi thứ đều có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả. Điển hình là nhận định của một đại diện Bộ GD&ĐT: “Với việc dạy qua internet, giáo viên (GV) dễ dàng hơn trong việc xây dựng bài giảng, giao nhiệm vụ cho HS và theo dõi được quá trình học tập của HS; HS sẽ phải trả bài theo nhiệm vụ học tập ấy… Trong suốt quá trình, GV có thể theo dõi và đảm bảo việc dạy học qua hình thức này là thực chất, hiệu quả.[i] Ngược lại, đó là sự nghi ngờ, lo ngại về chất lượng dạy học trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn nhiều mặt cùng nhiều lí do khác. Điển hình là ý kiến của một nhà nghiên cứu giáo dục: “cá nhân tôi tin, giáo dục online không phải là nền giáo dục cho con người trọn vẹn. Internet và học online chỉ là công cụ nền tảng để cung cấp thông tin; còn học và dạy học là cả một loạt các hoạt động tương tác giữa con người với con người; với đầy đủ cảm xúc, tạo động lực, thúc đẩy mơ ước và khát vọng học tập của người học, điều mà online thuần túy không thể cung cấp.[ii]

Liệu có tìm được điểm chung giữa hai dòng quan điểm nói trên? Hay là có những điểm còn thiếu mà cả hai không đề cập đến? Nếu thực sự DHTT có hiệu quả, đạt chất lượng thì cần những điều kiện cụ thể gì? Nếu DHTT làm đánh mất cảm xúc, triệt tiêu động lực hay khát mơ ước vọng của người học, thì có đồng nghĩa với việc tiến bộ kĩ thuật công nghệ trong xã hội không có chút tác động nào đến hoạt động dạy và học trong nhà trường? Có lẽ, xét riêng từng dòng quan điểm, ai cũng sẽ có lí của mình. Nhưng dường như cái thiếu chủ yếu ở đây, đó là khái niệm “dạy học trực tuyến” là gì, thì mỗi người vẫn có một hệ tham chiếu riêng cho mình, mà thiếu sự đồng thuận về phạm vi, mức độ cũng như hình thức dạy và học trực tuyến cụ thể là như thế nào. Thiết nghĩ, trước khi nói đến chất lượng, cần phải hiểu đúng về DHTT.

Các khái niệm liên quan đến dạy học trực tuyến

Để làm rõ khái niệm DHTT, trước tiên cần làm rõ một số khái niệm khác liên quan. Thứ nhất là “công nghệ giáo dục” (CNGD), dùng để chỉ mọi phương thức sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề giáo dục, giảng dạy, học tập, đánh giá trong suốt tiến trình lịch sử loài người. Đặc biệt trong thế kỉ XX, các tiến bộ công nghệ ở từng giai đoạn phát triển đã từng được kì vọng để thay thế “công nghệ” bảng đen phấn trắng trong dạy học truyền thống, bao gồm điện ảnh, truyền thanh, truyền hình và Internet, nhưng cho đến nay chưa có sự kì vọng nào kể trên trở thành hiện thực[iii].

Thứ hai là khái niệm “đào tạo từ xa” (ĐTTX), vốn là một trong những lĩnh vực ứng dụng CNGD được quan tâm nhất. Theo đà phát triển công nghệ và kinh tế-xã hội, ĐTTX thường chịu áp lực thay đổi theo chu kì khoảng 10-15 năm (hoặc có khi kéo dài đến 20 năm), trong khi các mô hình và phương pháp giáo dục truyền thống tương đối ổn định. Từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2000, sự lan toả mạnh mẽ của Internet đã tạo ra cơ hội để ĐTTX phát triển bức phá thông qua các công cụ giao tiếp trực tuyến, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của mọi thành phần xã hội[iv]. Từ đó có khái niệm “đào tạo trực tuyến” (ĐTTT), là phương thức ĐTTX với các công cụ làm việc chủ yếu dựa trên nền tảng Internet và Web.

Tại Việt Nam, “đào tạo” là một khái niệm dành cho bậc giáo dục đại học (gồm cả cao đẳng và sau đại học). Trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, “đào tạo” trong tiếng Việt được xem là tương ứng với “training” hay “higher education” trong tiếng Anh và “formation” trong tiếng Pháp. Tuy nhiên, ở các nước phương Tây khi đề cập đến ứng dụng CNGD thì “online education” (giáo dực trực tuyến) và “distance education” (giáo dục từ xa) trong tiếng Anh có phạm vi rất rộng, có thể bao gồm cả giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, nền giáo dục phương Tây chú trọng vai trò người học nên trong các ấn bản tiếng Anh thường gặp từ “learning” thay cho “education” (giáo dục), mà khái niệm tương ứng trong tiếng Việt là “học tập” được sử dụng khá hạn chế. Việc sử dụng các phương tiện giao tiếp điện tử, thường được gắn với tiếp đầu ngữ “electronic”, hoặc trực tuyến (online) để đa dạng hoá các hoạt động học tập từ xa dẫn đến sự ra đời của các khái niệm “e-learning” (học tập điện tử), “distance learning” (học tập từ xa) và “online learning” (học tập trực tuyến), với sự phân biệt đôi khi rất mơ hồ[v]. Ngay cả trong tiếng Pháp nhiều tác giả cũng thích dùng “e-learning” vì không tìm được từ tương đương[vi].

Trong bài viết này, tác giả không có tham vọng hệ thống hoá các thuật ngữ về dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, để có một xuất phát điểm và phạm vi khảo cứu rõ ràng, cần phải có một quy ước chung về khái niệm này. Trong tiếng Việt nói chung, hoạt động “học” thường gắn liền với hoạt động “dạy” và ngược lại. Cả “dạy” và “học” đều nằm trong một quá trình tổng thể lớn hơn là “giáo dục”, trong đó bậc giáo dục sau trung học có một tên gọi riêng là “đào tạo”. Từ đó, sẽ có các định nghĩa sau:

  • Đào tạo từ xa: là phương thức đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ ở bậc giáo dục sau trung học, thực hiện hoàn toàn từ xa và độc lập so với phương thức đào tạo truyền thống;
  • Đào tạo trực tuyến: là phương thức đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ ở bậc giáo dục sau trung học, với các hoạt động dạy và học được thực hiện trên nền tảng Internet và Web, có kết hợp ở mức độ nhiều hay ít với phương thức đào tạo truyền thống;
  • Dạy học trực tuyến: là quá trình tổ chức, điều hành, quản lí, thực thi các hoạt động dạy và học thông qua nền tảng Internet và Web, ở mọi bậc học;
  • Dạy học từ xa (DHTX): là quá trình ứng dụng CNGD trong tổ chức, điều hành, quản lí, thực thi các hoạt động dạy và học từ xa, ở mọi bậc học.

Dạy học trực tuyến có phải là giảng bài từ xa?

Theo tâm lí thông thường, nhiều người mặc nhiên gắn DHTT với hình ảnh giáo viên ngồi giảng bài trước máy tính, học sinh sinh viên (gọi chung là học viên) ngồi ở nhà theo dõi bài giảng từ xa. Theo đó, các hoạt động tương tác là tất cả những gì giáo viên và học viên thực hiện cùng nhau tại buổi học, và giáo viên kiểm soát hoạt động của học viên thông qua chiếc camera máy tính. Nghĩa là, DHTT ở đây là phương thức dạy học giúp phá vỡ duy nhất một rào cản về không gian: người học có thể học từ xa, nhưng mọi thứ phải diễn ra đồng thời giống như trong một lớp học vật lí mặt đối mặt (trực diện).

Tuy nhiên, về mặt khoa học giáo dục đúng nghĩa, cốt lõi của việc ứng dụng CNGD trong ĐTTX là nhằm giúp học viên vượt qua tất cả những trở ngại về không gian, thời gian, công nghệ, tâm lí và kinh tế-xã hội nhằm tiếp cận được những kiến thức cần thiết cho việc học tập của mình[vii]. Lối suy nghĩ rằng chỉ cần dùng công nghệ hiện đại để biến lớp học tại trường thành lớp học trên mạng (một cách máy móc) là đủ để DHTT thể hiện một sự nhầm lẫn phổ biến giữa phương tiện và phương pháp trong nghiên cứu và thực hành ứng dụng CNGD[viii]. Tình trạng quá đặt nặng hoặc chỉ quan tâm thuần tuý đến yếu tố kĩ thuật của công cụ khi tổ chức DHTT mà không quan tâm thấu đáo đến trải nghiệm học tập thực tế của học viên sẽ dễ tạo ra tác dụng ngược so với kì vọng[ix].

Vì vậy, nếu có sự thất vọng hay nghi ngờ về chất lượng DHTT, điều đó không hẳn là do bản thân vai trò của CNGD hay hiệu quả của phương thức DHTT, mà chủ yếu là do các công nghệ hào nhoáng hiện đại chỉ được khai thác một cách giản đơn dựa trên mô hình giáo dục truyền thụ một chiều cũ kĩ của thế kỉ XX[x].

Dạy học trực tuyến có kém hiệu quả hơn dạy học trực diện?

Như đã nói ở trên, có muôn vàn ý kiến cho rằng DHTT không có hiệu quả, không có tác dụng, không đạt chất lượng, v.v. Đó có thể là những nhận định theo kinh nghiệm chủ quan, hay dựa vào những kết quả nghiên cứu khách quan. Tuy nhiên, cần phải làm rõ một điểm quan trọng: khi không xác định một cách cụ thể bối cảnh, đối tượng, phạm vi, mức độ và cách thức tổ chức DHTT, thì không thể có kết luận chung chung và khái quát hoá về DHTT. Hơn thế nữa, để đánh giá đúng DHTT thì cần hiểu đúng bản chất DHTT; nếu không, mọi ý kiến nhận xét, đánh giá sẽ đều trở thành vô nghĩa.

Khi thực hiện một cuộc siêu phân tích (meta-analysis) để so sánh 232 công trình công bố các kết quả nghiên cứu so sánh hoạt động DHTX với hoạt động dạy học trên lớp từ 1985 đến 2002, Bernard và cộng sự (2004) đã nhận thấy với các hoạt động đồng bộ (synchronous) thì dạy học trên lớp tỏ ra chiếm ưu thế, còn với các hoạt động không đồng bộ (asynchronous) thì DHTX có đạt hiệu quả cao hơn[xi]. Tương tự, Sitzmann và cộng sự (2006) đã so sánh hoạt động DHTT thông qua Web với dạy học trên lớp thông qua 96 công trình nghiên cứu liên quan đến 19.331 học viên trưởng thành (sinh viên đại học và người đi làm) trong 168 môn học từ 1996 đến 2005[xii]. Kết quả cho thấy với thể loại kiến thức trần thuật (declarative knowledge) thì DHTT thông qua Web đạt hiệu quả cao hơn dạy học trên lớp khoảng 6 %, nhưng có thể tăng lên đến 19 % khi người học được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian lâu dài và tăng cường sử dụng học liệu có nhận xét phản hồi của giáo viên suốt quá trình học. Còn với thể loại kiến thức quy trình (procedural knowledge) thì hai phương thức dạy học có mức độ hiệu quả tương đương nhau.

Một nghiên cứu khác của Bộ Giáo dục Hoa Kì[xiii], phân tích so sánh 99 công trình công bố từ 1996 đến 2008, trong đó có 9 công trình liên quan đến bậc giáo dục phổ thông (K-12), có những kết luận rất đáng chú ý. Trước tiên, đó là DHTT nhìn chung có hiệu quả nhỉnh hơn dạy học trên lớp, nhưng không phải do vai trò phương tiện (medium) thuần tuý của các công cụ được sử dụng, mà là do tác động phối hợp của ba yếu tố thời lượng học tập, nội dung học liệu và phương pháp sư phạm. Cụ thể, khi giáo viên kết hợp DHTT với dạy học trên lớp thì hiệu quả cao hơn là chỉ áp dụng một phương thức DHTT. Hay khi có giáo viên hướng dẫn và học tập trực tuyến theo phương pháp phối hợp nhóm sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với chỉ áp dụng phương pháp học tập cá nhân. Độ chênh lệch hiệu quả giữa DHTT và dạy học trên lớp càng biểu hiện rõ khi giữa hai phương thức có sự khác biệt về nội dung học liệu và phương pháp sư phạm của giáo viên. Tuy nhiên, các kết quả tác động này chủ yếu tập trung ở đối tượng học viên trưởng thành (sinh viên từ bậc đại học đại cương trở lên) mà không biểu hiện rõ ở học sinh phổ thông, có thể là do số lượng công trình nghiên cứu chưa đủ lớn để phân tích.

Như vậy, có thể nói rằng DHTT hoàn toàn có thể đạt được hiệu quả và chất lượng từ ngang bằng đến cao hơn so với dạy học truyền thống. Nhưng điều quan trọng là, làm sao để mỗi thành viên trong hệ thống giáo dục hiểu đúng và áp dụng đúng phương thức DHTT.

Dạy học trực tuyến có thể thực hiện dễ dàng và nhanh chóng?

Trái với quan niệm rằng, các công cụ trên Internet sẽ giúp người giáo viên dễ dàng xây dựng nội dung bài giảng, giao nhiệm vụ học tập và theo dõi quá trình học tập của học viên, DHTT đúng nghĩa có những yêu cầu mà nếu không đáp ứng được thì kết quả sẽ không thể đạt như mong đợi. Đây là một cái bẫy mà nhiều người mắc phải, khi tư duy theo thói quen hay phản xạ tự nhiên là bê nguyên lớp học trực diện lên lớp học trực tuyến, hay chỉ nghĩ đơn giản rằng đưa bài giảng của mình lên Internet là đã đủ cho DHTT[xiv]. Đối với người giáo viên, thiết kế một khoá học trực tuyến là cả một quá trình chuẩn bị công phu, bài bản, có đầy đủ kịch bản lớp lang, kể từ việc xác định mục tiêu học tập đến lựa chọn nội dung dạy học và phương pháp sư phạm thích hợp, rồi bắt tay biên soạn học liệu và chọn lọc công cụ tương ứng với hoạt động học tập dự kiến (cả đồng bộ lẫn không đồng bộ, cả làm việc cá nhân lẫn làm việc phối hợp)[xv]...

Chưa kể, phải tính đến phương án kiểm tra đánh giá sao cho chính xác, khách quan, nhưng đồng thời phải tạo được hứng thú cho học viên mà lại đảm bảo không quá tải với lượng bài vở chấm điểm thủ công quá lớn. Ngoài ra, năng lực tự học, đặc biệt với học viên nhỏ tuổi (học sinh tiểu học hay trung học), cũng là một yếu tố quan trọng mà người giáo viên cần cân nhắc. Khi đó, không chỉ cần dự liệu các phương pháp hướng dẫn hết sức chặt chẽ và kĩ lưỡng trong khâu thiết kế môn học trực tuyến, mà thậm chí còn cần phải có đủ lực lượng con người hỗ trợ như trợ giảng, kĩ thuật viên, chuyên gia CNGD[xiv].

Kết luận

Như đã phân tích ở trên, chính vì DHTT không phải là việc dễ dàng nên muốn thành công cần phải hiểu đúng và hiểu rõ về DHTT. Từ đó, mỗi người giáo viên cần bắt tay vào những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất, không ngừng học hỏi và thực hành DHTT ngay khi và ở mọi mức độ có thể. Đồng thời, cũng cần thiết phải biết lùi lại, quan sát một cách độc lập để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết nhằm liên tục cải thiện chất lượng hoạt động DHTT của mình. Khi nào số lượng giáo viên hiểu rõ, nắm vững và thành thục các phương pháp và công cụ DHTT càng tăng, khi đó toàn bộ hệ thống càng có cơ hội từng bước nâng cao mức độ và mở rộng phạm vi triển khai DHTT một cách đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả và có chất lượng.

Bài viết cho Trung tâm Phát triển Giáo dục Cộng đồng Nguồn Sáng, ngày 05/08/2020. Địa chỉ truy cập: <https://fountain-of-light.com/day-hoc-truc-tuyen-can-hieu-dung-truoc-khi-noi-den-chat-luong/>

Tài liệu tham khảo


[i] Tuệ Nguyễn. 2020. Giám sát chất lượng khi công nhận kết quả dạy học từ xa thế nào ? [trực tuyến] Thanh Niên [đăng ngày 14/03/2020, tham khảo ngày 01/08/2020]. Địa chỉ truy cập: <https://thanhnien.vn/giao-duc/giam-sat-chat-luong-khi-cong-nhan-ket-qua-day-hoc-tu-xa-the-nao-1195506.html>

[ii] Nguyễn Thị Lan Hương. 2020. Học từ xa có là giải pháp cho thời đại Internet? [trực tuyến] Trung tâm Phát triển Giáo dục Cộng đồng Nguồn Sáng [đăng ngày 30/06/2020, tham khảo ngày 01/08/2020]. Địa chỉ truy cập: <http://fountain-of-light.com/hoc-tu-xa-co-la-giai-phap-cho-thoi-dai-internet/>

[iii] Blais JG. 2009. Évaluation des apprentissages et technologies de l’information et de la communication: Un long chemin parcouru et encore beaucoup à accomplir. In J.-G. Blais (Ed.), Évaluation des apprentissages et technologies de l’information et de la communication: Enjeux, applications et modeles de mesure (pp. 1-9). Laval, Québec, Canada: Presses de l’Université Laval.

[iv] Deschênes AJ, Maltais M. 2006. Formation à distance et accessibilité (pp. 1-2). Québec, Canada: Télé-université, Université du Québec à Montréal.

[v] Moore J L, Dickson-Deane C, Galyen K. 2011. e-Learning, online learning, and distance learning environments: Are they the same? The Internet and Higher Education, 14(2): 129-135.

[vi] Bouthry A, Jourdain C. 2003. Construire son projet de formation en ligne (p. 5). Paris : Editions d’Organisation.

[vii] Jacquinot G. 1993. Apprivoiser la distance et supprimer l’absence ? Ou les défis de la formation à distance. Revue française de pédagogie, 102(1): 55–67.

[viii] Clark RE. 1994. Media will never influence learning. Educational Technology Research and Development, 42(2): 21-29.

[ix] Carroll N. 2013. E-learning – the McDonaldization of education. European Journal of Higher Education, 3(4): 342-356.

[x] Nguyễn Tấn Đại. 2020. Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19 [trực tuyến]. Người Đô Thị [đăng ngày 27/03/2020, tham khảo ngày 01/08/2020]. Địa chỉ truy cập: <https://nguoidothi.net.vn/tan-man-day-hoc-truc-tuyen-thoi-covid-19-22948.html>

[xi] Bernard RM, Abrami PC, Lou Y, Borokhovski E, Wade A, Wozney L, Wallet PA, Fiset M, Huang B. 2004. How does distance education compare with classroom instruction? A meta-analysis of the empirical literature. Review of Educational Research, 74(3): 379-439.

[xii] Sitzmann T, Kraiger K, Stewart D, Wisher R. 2006. The comparative effectiveness of web-based and classroom instruction: A meta-analysis. Personnel Psychology, 59(3): 623-664.

[xiii] Means B, Toyama Y, Murphy R, Bakia M, Jones K 2010. Evaluation of evidence-based practices in online learning: A meta-analysis and review of online learning studies. Washington, DC, USA: U.S. Department of Education.

[xiv] Papi C, Gérin-Lajoie S. 2020. Enseigner à distance, ça ne s’improvise pas ! [trực tuyến] The Conversation [đăng ngày 28/04/2020, tham khảo ngày 01/08/2020]. Địa chỉ truy cập: <https://theconversation.com/enseigner-a-distance-ca-ne-simprovise-pas-135382>

[xv] Basque J, Baillargeon M. 2013. La conception de cours à distance. Le Tableau, 2(1): 1-2.


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Phan Trung Hiếu  - Rất bổ ích     |115.79.137.xxx |2021-11-02 06:38:57
Bài viết thật bổ ích
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm