KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Phương châm của KhoahọcViệt.info

Điện thư In PDF

Nói đến khoa học là nói đến tri thức và sự phát triển. Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, có thể nói không một đất nước nào có thể phát triển giàu mạnh nếu không phát triển được hiểu biết của con người đối với thế giới tự nhiên và đối với xã hội mình đang sống.

Cổ nhân có bộ Tam tự kinh, viết rằng:

Tử bất học, phi sở nghi.
Ấu bất học, lão hà vi?
Ngọc bất trác, bất thành khí,
Nhân bất học, bất tri lí.

Không học thì không biết quy luật trời đất, không biết lẽ sống, không biết làm việc. Đối với người thường, từ nhỏ đã phải học thuộc làu điều đó. Đối với người được xem là "quân tử", "hiền tài", vốn được xem là tầng lớp lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân theo quan niệm Nho giáo thời phong kiến, thì điều đó lại càng quan trọng. Bia đá Văn Miếu mấy trăm năm nay vẫn còn khắc ghi: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Lịch sử mấy ngàn năm của đất nước Việt Nam ta cũng thịnh suy cùng sự lên xuống của các tầng lớp trí thức hiền tài.

Vậy nhưng cũng có bậc cao nhân phải ngậm ngùi than: "Cổ kim thức tự đa ưu hoạn". Cứ như là một thuộc tính cố hữu của loài người: hễ chưa biết thì cố tìm cho biết; biết một ít rồi thì lại muốn biết nhiều hơn; biết nhiều rồi thì lại quay ra chiêm nghiệm thực tại, chiếu về quá khứ, hướng vọng tương lai... Đâm ra đã lỡ mang trong mình cái chí của người trí thức rồi thì cũng vận luôn vào mình những mối âu lo, trở trăn, suy nghĩ cùng thời cuộc. Việt Nam trong quá trình phát triển, dù với tốc độ cao được ghi nhận trên toàn thế giới, cũng không tránh khỏi những bề bộn lo toan của một nền khoa học kế thừa lại cả những cái hay và không hay của nền học vấn Nho giáo, nền khoa học phương Tây thời Pháp thuộc hay "Mĩ thuộc", nền khoa học Xô Viết thời chiến tranh lạnh, cũng như du nhập, hoà lẫn, xáo trộn thêm vào bao nhiêu trường phái và xu hướng giáo dục - khoa học khác nhau từ khắp các nước trước và sau giai đoạn "Đổi mới". Câu chuyện trí thức nhiều người đã viết, viết nhiều, viết dài và viết sâu, chỉ xin dẫn lại lời của một giáo sư được nhiều người biết đến: "sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước là một sự nghiệp dài lâu, trong đó, trí thức có một vị trí không thể thay thế."

Cái cốt tử là làm sao để xác lập được vị trí không thể thay thế đó của người trí thức, của các nhà khoa học, trong hệ thống tổ chức chính trị - xã hội để Việt Nam có thể đạt được tốc độ và chất lượng phát triển cao hơn nữa? Thế nhưng, mục đích của KhoahọcViệt.info (KHVi) lại phải không nhằm đến những chuyện lớn lao như thế. KHVi chỉ muốn xem rằng, nền khoa học nước nhà nói chung là một toà kim tự tháp; và mỗi một nỗ lực, một đóng góp nhỏ nhoi của từng cuộc khảo cứu, của từng nhà khoa học - giáo dục, đều là một viên đá góp vào toà tháp to lớn ấy. Thay vì lan man lớt phớt trên bề mặt toàn bộ toà tháp ấy, KHVi sẽ chú trọng đi sâu vào từng viên đá kia. Đôi khi có ôm ấp, xoay vần cả khối tháp, người ta cũng chẳng lay chuyển được gì; ngược lại có khi chỉ cần rút một viên đá nhỏ nhoi nào dưới chân tháp ra, cả toà tháp ấy sẽ lung lay đổ vụn.

Ngõ hầu, từng viên đá nhỏ nhoi kia có thể góp phần để bù lấp những lỗ trống dưới chân tháp, từng cái một, hay những "ổ gà", "ổ voi" trên một con đường thiên lí dằng dặc. Bởi đấy là đường dài đi tới của cả đất nước, cả dân tộc, nên đóng góp cho sự nghiệp bền vững trường tồn ấy bằng phần việc nhỏ bé trong quãng đời ngắn ngủi của mình ngày hôm nay cũng đã là một niềm hạnh phúc vô biên rồi.

Ban quản trị KhoahọcViệt.info


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm