Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

Meresci > Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học > Phương pháp đọc tài liệu > Các bước đọc tài liệu
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học



Phương pháp đọc tài liệu

Các bước đọc tài liệu

Qua sơ đồ tổng quát nguyên tắc đọc tài liệu ở trên, có thể chia làm 3 bước đọc tài liệu sau đây:

Trước khi đọc

Một đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm túc đòi hỏi người nghiên cứu phải đọc nhiều tài liệu tham khảo liên quan đến chủ đề đang quan tâm, một cách có chiến lược và hiệu quả. Do đó, điều cần làm đầu tiên khi có một tài liệu không phải là lao vào đọc chăm chú từ đầu tới cuối, mà là... một vài phút chuẩn bị (!). 

Tự đặt những câu hỏi để xác định rõ ràng mục đích đọc tài liệu, đánh giá sơ bộ tài liệu cần đọc trước khi đi vào từng chi tiết.

    • Động cơ đọc tài liệu? - Giải trí, tìm hiểu tổng quát, tìm hiểu chuyên sâu, tìm một định nghĩa, làm sáng tỏ một vấn đề,...
    • Vấn đề nào cần quan tâm? - Đó là những khía cạnh của vấn đề đã được xác định trong quá trình lựa chọn đề tài nghiên cứu, chủ đề cần tìm hiểu.
    • Những thắc mắc đang cần tìm câu trả lời?
    • Kiểu thông tin nào đang cần có? - Số liệu thống kê, kết quả nghiên cứu, hình ảnh minh hoạ, báo cáo tổng hợp,...

Nhớ rõ mục đích đọc tài liệu rồi, vẫn chưa đến lúc đọc ngay mọi chi tiết! Nên đọc lướt qua toàn bộ tài liệu để đánh giá sơ bộ nội dung và đại ý tác giả muốn trình bày. Đôi khi, giai đoạn này còn giúp xác định mức độ phù hợp của tài liệu với nhu cầu đề tài, để quyết định đi vào chi tiết hay bỏ qua tài liệu.

Ở thời điểm này, nên xem kĩ nội dung phần tóm tắt của tài liệu, đọc các đề mục chính và phụ trong bài để tạo một mối liên hệ chung giữa toàn bộ các khái niệm quan trọng, các từ khoá mô tả phạm vi giới hạntrọng tâm của tài liệu.

Về đầu trang
Trong khi đọc

Sau khi đã làm xong bước chuẩn bị và đánh giá sơ bộ, mới đến lúc bắt đầu đọc thực sự. Hiệu quả đọc phụ thuộc vào phương pháp đọc (và phương pháp đọc phụ thuộc vào quá trình rèn luyện lâu dài), vào trình độ ngôn ngữ cả trong tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài, và vào khả năng lĩnh hội kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến quá trình đọc tài liệu là mức độ yêu cầu của cá nhân đối với vấn đề đang nghiên cứu.

Có các phương pháp đọc thường gặp nhất là:

    • đọc định vị: đọc lướt qua tài liệu để tìm các thông tin chính xác, một mẩu trích dẫn, khái quát các yếu tố liên quan,... 
      • đòi hỏi xác định rõ mục đích đọc ngay từ đầu;
    • đọc gạn lọc: chỉ đọc những gì quan trọng, cốt lõi, mới mẻ, hấp dẫn nhất, 
      • chỉ đọc tựa, các tựa phụ, đoạn đầu và đoạn cuối, câu đầu và câu cuối của các đoạn khác, ghi nhớ các ý chính,
      • chú ý đặc biệt đến những từ nối quan trọng tạo mối liên hệ trong lập luận suốt toàn bài,
      • không đọc các chi tiết nhỏ cụ thể;
    • đọc chéo: đọc nhanh qua tất cả các trang, đoạn văn bản mà không chú ý vào một điểm cụ thể nào trong bài, 
      • phù hợp với những tài liệu chỉ cung cấp các thông tin cơ bản, phổ thông, không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn sâu;
    • đọc bình thường: mức độ đúng... bình thường như vẫn gọi là "đọc", tức đọc lần lượt toàn bộ văn bản, có thể nhanh hay chậm tuỳ khả năng, 
      • tiếp nhận thông tin một cách bình thường trong quá trình đọc mà không đòi hỏi một sự tập trung cao độ với nhiều thao tác tư duy phức tạp,
      • và thông thường không đủ để đáp ứng yêu cầu cao khi đọc tài liệu khoa học;
    • đọc tích cực: là phương pháp đọc hiểu quả nhất, bằng cách: 
      • ghi chú, đánh dấu các ý chính,
      • tóm tắt toàn bộ tài liệu hoặc các phần quan trọng,
      • biết lĩnh hội kiến thức, tiêu hoá thông tin một cách chủ động, có chọn lọc, 
      • đánh giá, so sánh, liên hệ giữa các ý, các tài liệu, các tác giả khác nhau nhằm đưa ra một cái nhìn phân tích/tổng hợp/phê bình đối với mọi tài liệu và thông tin khoa học.
Về đầu trang
Sau khi đọc

Sau khi đọc xong, cần kiểm tra, đối chiếu lại những gì thu được với các mục đích ban đầu.

    • Có đáp ứng các yêu cầu chuyên môn đặt ra chưa?
    • Có đạt được mục đích định ra ban đầu chưa?
    • Có giải đáp được những thắc mắc cần tìm câu trả lời chưa?

Và từ đó, xác định là đã hoàn tất việc đọc tài liệu, hay cần phải đọc lại, hay cần phải đọc mở rộng thêm trong các tài liệu khác...

Vài điều lưu ý

Có vài điều lưu ý sau đây khi đọc tài liệu:

  • bỏ qua ngay những tài liệu có khoảng cách rất xa với đề tài hoặc chủ đề quan tâm;
  • không nên đọc ngay những tài liệu có tính chuyên môn rất cao, đòi hỏi phải có trước những hiểu biết sâu sắc nhất định về các vấn đề được trình bày, mà cần chuẩn bị trước các kiến thức nền đó qua các tài liệu cơ bản hơn. 
Bài tập tự kiểm tra: Bài 1   Bài 2
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007