Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

MeresciPhương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học > Tìm kiếm và chọn lọc kết quả > Đánh giá và chọn lọc kết quả
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học



Tìm kiếm và chọn lọc kết quả

Đánh giá và chọn lọc kết quả

Đánh giá và chọn lọc kết quả là một công việc quan trọng trong quá trình tìm kiếm thông tin. Đối với mục tiêu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sự đánh giá này càng cần phải được xem xét ở một góc độ đặc biệt: trong môi trường khoa học, chỉ những gì tuân thủ đúng các quy tắc khoa học mới được xem là khoa học; những gì không được xem là khoa học thì không nhất định là xấu hay sai, nhưng không thể dùng làm nguồn tham khảo khoa học, ngay cả khi muốn đưa vào làm nguồn tham khảo phụ.

Khi tìm kiếm thông tin trong một cơ sở dữ liệu, một cơ quan xuất bản khoa học, có thể tạm yên tâm về độ tin cậy và giá trị khoa học của các tài liệu được giới thiệu. Còn đối với các bộ máy tìm kiếm phổ thông, cần có sự đánh giá nghiệm ngặt hơn với những kết quả thu được, gồm hai bước: chọn lọc nhanh để chọn tài liệu có thể phù hợp; đánh giá tổng quát để xác nhận độ tin cậy và tính phù hợp.

Chọn lọc nhanh

Các bộ máy tìm kiếm phổ thông thường trình bày kết quả tìm kiếm thành 3 phần: nhan đề tài liệu; trích đoạn nội dung; đường liên kết.

Chọn lọc nhanh các tài liệu có khả năng phù hợp với nhu cầu tìm kiếm bằng cách trả lời những câu hỏi sau:

  • Quan hệ giữa nhan đề tài liệu với các từ cần tìm?
    • Quan hệ "nhan đề-từ cần tìm" theo các cấp giảm dần: bao hàm rộng, bao hàm trực tiếp, hoàn toàn trùng khớp, chủ đề lệ thuộc, chi tiết phụ, chủ đề lân cận, vấn đề có liên quan, hoàn toàn không liên quan.
    • Tuỳ mục đích muốn tìm các từ ở vị trí nào trong tài liệu, so sánh với quan hệ này và quyết định.
  • Vị trí các từ cần tìm trong trích đoạn nội dung?
    • Vị trí các từ cần tìm: liên tục với nhau, nằm gần nhau và có liên hệ chặt chẽ, nằm gần nhau nhưng có liên hệ rời rạc, hoàn toàn rời rạc nhau.
    • Tuỳ vào mục đích muốn tìm các từ ở vị trí nào trong tài liệu, so sánh với các quan hệ vị trí này và quyết định.
  • Đường liên kết của nguồn cung cấp tài liệu:
    • Tên miền chung là gì?
    • Tên miền chung đó thường dành cho đối tượng và lĩnh vực nào?
    • Tên website là gì? Tên đó có thể hiện hoặc đã được biết là một tổ chức, một cá nhân hay có mục tiêu khoa học-giáo dục hay không?
    • Các thành phần trong địa chỉ mạng (thư mục, tập tin) có thể hiện nội dung khoa học-giáo dục hay không? Có quan hệ gì với chủ đề cần tìm?
Về đầu trang

Nói chung, các câu hỏi này mang tính chất thủ thuật, và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm tích luỹ cũng như hiểu biết sâu sắc về Internet và Mạng. Và cách chọn lọc nhanh này cũng chỉ có hiệu quả tương đối.

  • Hữu ích nhất là giúp để loại bỏ những nguồn thông tin "nhiễu" (khi các câu trả lời kia không có tính phù hợp cao với nhu cầu).
  • Hữu ích để nhận diện nhanh các nguồn tài liệu quen thuộc, độ tin cậy đã được thừa nhận.
  • Áp dụng thận trọng khi trong kết quả có phần phù hợp mà những phần khác không xác định được. Trong trường hợp này, nên mở tài liệu ra để xem và chuyển sang bước đánh giá tổng quát.
    • Ví dụ: nhan đề phù hợp nhưng tên miền không có sự bảo chứng (.com, .net,...).

Đối với mỗi tài liệu thông qua được bước chọn lọc nhanh, lời khuyên về mặt kĩ thuật là:

  • không mở trực tiếp liên kết (nhấn chuột trái) trong cửa số hiện hành;
  • nhấn chuột phải lên liên kết và mở ra bằng một cửa sổ mới  (new window/nouvelle fenêtre) mới hoặc một thẻ mới (new tab/nouvel onglet);
  • thủ thuật này giúp tiếp tục duyệt các kết quả khác mà không phải quay lại từ đầu, đồng thời không mất thời gian chờ cho tới khi trang mới được mở ra.
Tuy nhiên, lưu ý là thủ thuật này gặp một trở ngại trong vài trường hợp: liên kết không cho phép mở bằng cách nhấn chuột phải. Dù sao, tỉ lệ trở ngại này cũng không cao, nên thông thường vẫn áp dụng tốt.

Bài thực hành
Về đầu trang
Đánh giá tổng quát 

Khi đã chọn lọc nhanh các tài liệu có khả năng phù hợp với nhu cầu tìm kiếm, với mỗi tài liệu mở ra, cần đánh giá tổng quát tài liệu để có sự lựa chọn sơ bộ: tải về hay không?

Để trả lời câu hỏi trên, đánh giá mỗi tài liệu mở ra qua các đặc điểm chính sau đây:

  • Nội dung tài liệu: xem nhanh các phần chính của tài liệu để xác định:
    • mức độ liên quan của nhan đề tài liệu với đề tài;
    • mức độ thống nhất giữa nhan đề với các phần khác của tài liệu;
    • mức độ liên quan giữa nội dung tổng thể của tài liệu với đề tài;
    • xem chi tiết phần tóm tắt và/hoặc các đoạn quan trọng để kiểm tra lại các nhận định trên;
    • nguồn tham khảo của tài liệu nhiều hay ít, trong đó có những nguồn có tính học thuật và khoa học cao hay không;
    • cách trình bày của bản thân tài liệu có tính khoa học hay không.

Nếu nội dung đáp ứng yêu cầu của đề tài, chuyển qua tìm hiểu nguồn gốc tài liệu để cân nhắc giá trị khoa học.

  • Nguồn gốc tài liệu: tuỳ tính chất của đề tài và đặc thù chuyên ngành mà có những yêu cầu tương ứng về tài liệu.
    • Độ sâu chuyên ngành: sách, tạp chí chuyên ngành, báo cáo hội nghị, luận văn/luận án, tài liệu liên ngành, văn bản nhà nước, số liệu thống kê, thông tin đại chúng/khoa học phổ thông, v.v.
    • Nơi công bố: tài liệu này đã được công bố ở đâu (tựa báo, nhà xuất bản, cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học,...), theo mục đích gì (khoa học, giáo dục, thương mại, giải trí, thời sự,...)?
    • Thời điểm công bố: nội dung tài liệu đã được công bố rộng rãi từ khi nào? Đã lỗi thời hay vẫn còn giá trị? Có được cập nhật không?

Nếu tính chất chuyên ngành, nơi công bố và thời điểm công bố đảm bảo yêu cầu của đề tài, có thể chuyển qua tìm hiểu về tác giả.

  • Tác giả: tìm hiểu trình độ và kinh nghiệm của tác giả tài liệu đối với chủ đề được đề cập đến.
    • Có thể tin cậy vào tài liệu nếu tác giả là một chuyên gia có uy tín trong chuyên ngành: các công trình đã công bố của tác giả là một trong những tiêu chí nhận định cơ bản.
    • Tác giả có được trích dẫn nhiều trong các tài liệu khác hay không?
    • Nơi công tác của tác giả cũng có thể tiết lộ đôi điều về uy tín, kinh nghiệm hoặc trình độ chuyên ngành của tác giả.
    • Có thể có những tài liệu được đăng trên những website cá nhân. Khi đó, việc kiểm chứng tác giả càng quan trọng.
Về đầu trang
  • Ngày đăng: cần phân biệt ngày công bố của tài liệu và ngày đăng trên website.
    • Nếu tài liệu là một ấn bản điện tử (chỉ đăng trên Internet): hai ngày này có thể là một.
    • Nếu tài liệu được công bố ở một nơi, và được đăng lại trên một website nào đó: ngày đăng là ngày tài liệu được đưa lên website nơi tìm thấy tài liệu.
Một website được tổ chức tốt thì các bài đăng lên đều có kèm theo ngày đăng. Và tốt hơn nữa, trong trường hợp có chỉnh sửa nội dung đã đăng, sẽ có bổ sung ngày cập nhật (đặc biệt quan trọng đối với các ấn bản điện tử), để có thể theo dõi được độ lâu bền, và tính xác thực của thông tin được đăng.
  • Tiêu chí của website: 
    • Nếu website nơi tìm thấy tài liệu cũng chính là nơi công bố tài liệu đó, và nếu đó là một đơn vị khoa học (nhà xuất bản, tạp chí, tổ chức chuyên môn,...) đã được thừa nhận trong chuyên ngành, tiêu chí của website có lẽ không cần bàn cãi.
    • Nếu website chưa từng hoặc ít được biết đến, hoặc là nơi phổ biến thông tin khoa học một cách không chính quy (như các diễn đàn mạng), rất cần xem trong các mục khác, thường trong phần giới thiệu truy cập từ trang chủ, để tìm được những thông tin về lịch sử hình thành, người chịu trách nhiệm, tiêu chí hoạt động,... để xác định xem có đáp ứng các yêu cầu về khoa học hay không.
Về đầu trang

Các yếu tố để đánh giá tiêu chí của một website là: 

  • người chịu trách nhiệm: các website tôn trọng các tiêu chí khoa học phải cung cấp thông tin rõ ràng về người chịu trách nhiệm nội dung, kể cả địa chỉ liên lạc;
  • mục đích: thông thường, một website tốt sẽ có phần trình bày rõ động cơ và/hoặc mục đích và/hoặc tôn chỉ hoạt động, làm kim chỉ nam cho mọi thông tin được đăng tải;
  • tác quyền: tôn trọng tác quyền là một yêu cầu quan trọng trong khoa học, và một website tốt cũng phải thể hiện rõ ràng điều đó, không chỉ trong tôn chỉ hoạt động mà còn trong mọi tin, bài đăng lên;
  • tính xác thực của thông tin: thông thường, nếu website là của một cơ quan/tổ chức, thì chính cơ quan/tổ chức đó phải đảm bảo tính xác thực của thông tin được đăng, còn nếu là của cá nhân thì tuỳ thuộc vào ý thức và lương tâm của tác giả website, và rất cần kiểm tra lại từ các nguồn khác trên Mạng;
  • cấu trúc website: một website tốt phải được cấu trúc chặt chẽ, sáng sủa, rõ ràng, nhất quán về thông tin, chính xác về ngôn ngữ, tương hợp với tôn chỉ,... giúp người duyệt mạng dễ định vị và tìm kiếm thông tin, và nếu đó là ấn bản điện tử thì phải tuân thủ các quy tắc khoa học trong trình bày thông tin.
Bài tập tự kiểm tra

Và cuối cùng, sau khi đã đánh giá tổng quát và chọn được tài liệu cần thiết, chỉ còn việc lưu lại tài liệu đó vào một thư mục cá nhân (hoặc có thể in ra), và có cách ghi chú rõ ràng, quản lí tốt nguồn tài liệu, để về sau cần phải sử dụng lại để đọc chi tiết, khai thác thông tin, trích dẫn và trình bày tham khảo.

Kinh nghiệm cho thấy: 

  • nếu không quản lí tốt các tài liệu đã tải về (cách chia thư mục, đặt tên, sắp xếp chủ đề,...) thì về sau sẽ mất rất nhiều thời gian để dò tìm lại những thông tin cần thiết, nhất là khi lượng tài liệu trở nên quá nhiều;
  • một tài liệu tìm thấy trên Mạng không trải qua bước đánh giá nghiêm túc thì không chắc chắn đảm bảo độ tin cậy về thông tin khoa học, đặc biệt là không đáp ứng đủ các yêu cầu về trình bày tham khảo trong bài viết khoa học;
  • thực hiện tốt khâu chọn lọc và đánh giá tài liệu có vai trò quyết định đến chất lượng tham khảo khoa học, tức có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng đề tài nghiên cứu./.
Bài kiểm tra đầu ra
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007