Meresci

Giáo trình điện tử
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
trong nghiên cứu khoa học

ULP

MỤC LỤC

MeresciPhương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học > Tìm kiếm và chọn lọc kết quả > Mười nguyên tắc vàng
Giới thiệu giáo trình

Tác giả

Kiểm tra đầu vào

Phần 1. Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học

Phần 3. Khai thác thông tin từ tài liệu khoa học

Phần 4. Phương pháp viết tài liệu khoa học

Phần 5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học 

Kiểm tra đầu ra

Phản hồi kết quả

Thư mục

Phần 2. Phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học



Tìm kiếm và chọn lọc kết quả

Mười nguyên tắc vàng

Thật nhiều vấn đề trong việc tìm kiếm thông tin trên Mạng đã trình bày trong các phần trên có thể tựu trung lại thành mười nguyên tắc vàng sau đây:
1. Biết hỏi

Giáo sư Jacques Wallet (Đại học Rouen, Pháp), trong một chuyến làm việc tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, đã nói: "Biết đặt câu hỏi tốt có nghĩa là đã biết cách tìm được câu trả lời".

Trong tìm kiếm thông tin trên Mạng, biết đặt ra những câu hỏi tốt về chủ đề, biên độ và các khía cạnh liên quan, phạm vi giới hạn, các khái niệm quan trọng, v.v. chính là nền tảng để có được kết quả tốt. Và cần nhắc lại một lời khuyên tưởng như... ngược đời: để tìm kiếm thông tin trên Mạng, việc đầu tiên phải làm là không lên Mạng!

2. Làm chủ trình duyệt mạng

Đây là điệu kiện cần, nếu muốn thực hiện tốt quá trình tìm kiếm thông tin trên Mạng. Các trình duyệt (như Mozilla Firefox, Internet Explorer, Netscape, v.v.) có nhiều công cụ giúp duyệt mạng tốt hơn, quản lí và lưu trữ thông tin tốt hơn, an toàn hơn. Tốt nhất là nên tập để sử dụng tốt hai trình duyệt có cách tiếp cận khác nhau và bổ sung cho nhau. 

3. Chọn từ khoá tốt

Các công cụ, đặc biệt là các bộ máy tìm kiếm, thường chỉ có thể tìm được những gì nó đã lưu trữ một cách tự động máy móc mà hoàn toàn không hiểu ngữ nghĩa của từ. Do đó, người tìm kiếm thông tin phải là người bù đắp khiếm khuyết đó, bằng cách lựa chọn tốt những từ khoá xuất phát và liên tục ghi nhận, điều chỉnh bộ từ khoá trong suốt quá trình tìm kiếm sao cho phù hợp nhất.

Về đầu trang
4. Tìm được nguồn tốt

Các nguồn tốt luôn là điểm tựa tốt, giúp người dùng Mạng định vị tốt, hướng đến những nơi có thông tin hữu ích cho các mục tiêu học tập, đào tạo, nghiên cứu.

Thông thường, một nguồn cung cấp thông tin nghiêm túc sẽ có mục giới thiệu các liên kết đã chọn lọc, có liên quan đến cùng lĩnh vực.

5. Luôn phân tích thông tin

bất cứ ai cũng có thể đưa bất cứ thông tin gì lên Mạng, nên người dùng mạng rất cần có óc phân tích các thông tin tìm được, đánh giá nhanh độ tin cậy và giá trị của thông tin, tìm hiểu tác giả và thời gian cung cấp thông tin.

Một thông tin bình thường đã cần có độ xác tín như vậy, một thông tin có mục đích khoa học, giáo dục càng phải được yêu cầu cao hơn. Nguyên tắc này cần được giữ thường trực trong đầu, nhằm tránh xu hướng thái quá trong việc sử dụng thông tin khoa học kĩ thuật hiện nay: đưa vào tài liệu khoa học những thông tin tìm thấy trên Mạng mà chưa trải qua các bước phân tích, đánh giá nghiêm túc.

6. Lưu trữ và sắp xếp thông tin

Một trong những thói quen dẫn đến xu hướng không phân tích, đánh giá nghiêm túc các tài liệu tìm được trên Mạng, đó là do không biết lưu trữ và sắp xếp thông tin một cách trật tự và khoa học.

Biết làm chủ các trình duyệt sẽ có thể giúp sắp xếp, lưu trữ các nguồn cung cấp thông tin cần thiết, luôn sẵn sàng để có thể kiểm tra lại bất cứ thông tin, tài liệu nào đã tìm được.

Biết sắp xếp các tài liệu đã tìm được một cách trật tự, theo những phương pháp riêng (theo tác giả, theo chủ đề, theo thời gian,...) sẽ giúp quản lí tốt thông tin, tài liệu, đặc biệt là khi số lượng tài liệu trở nên quá nhiều. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu, vì có thể dễ dàng tra cứu các thông tin tham khảo cần thiết vào bất cứ giai đoạn nghiên cứu nào, đối với bất cứ vấn đề nghiên cứu nào nảy sinh.

Về đầu trang
7. Biết tự giới hạn

Cái gì cũng có giới hạn. Thông tin trên Internet cũng có giới hạn, đặc biệt là về mặt thời gian. Người tìm kiếm không nên quá cầu toàn để mong tìm thấy tất cả mọi thứ mình muốn. Trên Mạng chỉ tồn tại những thông tin gì mà có người đưa lên. Có những thứ tuy muốn, nhưng không thể tìm thấy trên Mạng, cũng chỉ đơn giản vì không có ai đưa lên.

Rất thông thường, những thông tin cung cấp trên Mạng là nhằm góp phần trả lời cho câu hỏi: "Tìm thấy ở đâu?", tức là giúp tìm những thông tin dẫn tới những thông tin khác.

8. Luôn tỉnh táo

Nếu không giữ được sự tỉnh táo, người dùng mạng sẽ bị đắm chìm ngay trong một biển thông tin hỗn độn. Cần phải hiểu mình cần đi tìm gì, và có một chiến lược tìm kiếm rõ ràng.

Những người dùng mới thường có xu hướng chọn những website cung cấp thật nhiều thông tin, có thật nhiều người truy cập, vì không muốn mất nhiều thời gian để đi tới ngay cốt lõi vấn đề. Và sau một thời gian thích nghi với nguồn thông tin đó, họ có thể có ngay những kết quả chờ đợi.

Những người dùng có kinh nghiệm lại có xu hướng tìm những nguồn thông tin "hiếm", ít "phổ thông" hơn, có thể phải mất khá nhiều thời gian và công sức, nhưng bù lại họ có nhiều khả năng tìm được những kết quả độc đáo.

Về đầu trang
9. Phối hợp hài hoà các công cụ

Do có rất nhiều công cụ tìm kiếm khác nhau, có tính năng khác nhau, được phát triển theo những mục tiêu khác nhau, nên hầu như không một công cụ nào đáp ứng hoàn hảo các nhu cầu tìm kiếm thông tin trên Mạng.

Người tìm kiếm do đó cần phải tự rèn luyện khả năng sử dụng các công cụ tìm kiếm khác nhau, tích luỹ kinh nghiệm, để biết được cách kết hợp thật hài hoà các công cụ và phương thức tìm kiếm khác nhau, tuỳ theo nhu cầu của mình trong mỗi hoàn cảnh. 

10. Nhanh nhẹn

Đối diện trước một lượng thông tin khổng lồ trên Mạng, người dùng cần có một sự nhanh nhẹn nhất định mới có thể thực hiện quá trình tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả: thực hiện cùng lúc nhiều lượt tìm kiếm, đọc và đánh giá nhanh thông tin, kết nối các thông tin với nhau, chuyển đổi qua nhiều cửa sổ và công cụ, truy tìm nguồn gốc thông tin, nhận diện các loại tài liệu, v.v.

Tuy vậy, như đã nói, không có một khoa học chính xác nào áp dụng được cho nghệ thuật tìm kiếm thông tin trên Internet. Đó là sự kết hợp giữa sự chính xác và tính ngẫu nhiên. Đó là một quá trình phát triển và điều chỉnh liên tục theo phương thức chắp nối (iteration/itération). Sự chuẩn bị tốt, kinh nghiệm tích luỹ dần, những sự tình cờ ngẫu nhiên nảy sinh, các công cụ tìm kiếm đắc lực, một thế giới phong phú đa dạng nhưng cực kì phức tạp và hỗn độn, sự kiên trì nhẫn nại, một chút nhanh nhẹn và phiêu lưu,... nhưng tất cả phải nằm trong tầm kiểm soát của một tinh thần sáng suốt. Và một câu danh ngôn rất cần được nhắc lại:

Sự ngẫu nhiên chỉ làm thăng hoa những tư tưởng đã chín muồi
(Louis Pasteur)

Bài tập tự kiểm tra
Về đầu trang
Trang trước Trang chính Trang sau
Tác giả @ Meresci - 2007 Cập nhật: 11/06/2007