KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Chẩn “bệnh” dạy thêm học thêm

Điện thư In PDF

Thời còn là học sinh ở một thị trấn nhỏ miền cao nguyên, mùa Tết tôi hay nghe nhắc đến câu đối “Chiều ba mươi thầy giáo tháo giày đi chợ Tết; Sáng mùng một giáo chức dứt cháo dự hội xuân”. Đời sống chật vật của nghề giáo, trong một bối cảnh kinh tế chung của cả nước còn đầy rẫy khó khăn, vẫn không ngăn được tôi chọn định hướng nghề nghiệp sư phạm. Một trong các lí do chính, đó là tôi muốn trở thành một thầy giáo trái ngược hoàn toàn với một hình ảnh trái khoáy từ một thầy giáo mà tôi được học.

[Bản gốc của bài đã đăng trên chuyên mục Góc nhìn, báo điện tử VNExpress, ngày 22/02/2025, dưới tựa “'Điều trị' học thêm”, với một số chỗ đã được biên tập lại.]

Số là, vào lớp 10, tôi đã gặp ngay một cú sốc khi bị điểm 3 trong bài kiểm tra chất lượng đầu năm của một môn học mà trước đó tôi luôn thuộc số những học sinh có kết quả tốt nhất. Mang bài lên khiếu nại, thầy giáo phán một câu thẳng thừng: “Em có đáp án đúng, nhưng không dùng phương pháp tôi dạy nên không được tính điểm.” Suốt những năm cấp III, tôi đã phải gồng mình “chiến đấu” với thầy giáo ấy, bởi toàn bộ các nội dung được học trên lớp tôi làm bài đều tốt cả, thì vẫn chỉ đạt tối đa 6 hoặc 7 điểm. Những người bạn khác của tôi, dù học lực chỉ trung bình khá, nhưng ngoài giờ đi học thêm với thầy, thì điểm kiểm tra luôn đạt từ 8 đến 10.

Gia đình tôi có nhiều người làm giáo viên. Một người chị có con học thầy giáo ấy, nhưng gửi học thêm với anh trai mình dạy cùng môn. Lên lớp làm bài, cháu bị điểm thấp theo cùng lí do với tôi năm xưa. Là đồng nghiệp trong cùng trường nhưng hai anh chị tôi vẫn bất lực, không có cách nào khác phải cho cháu đi học thêm với cùng thầy dạy trên lớp để không bị thiệt thòi về điểm số. Trong trường, từ tổ bộ môn đến ban giám hiệu hay hội đồng sư phạm, tất cả đều hoàn toàn nhắm mắt làm ngơ.

Các con tôi ngày nay thì may mắn hơn, đi học từ nhỏ đến lớn tại TP. HCM chưa bao giờ bị giáo viên chính khoá ép đi học thêm. Một cháu đã tốt nghiệp chương trình cũ, một cháu vẫn đang học chương trình mới, dù học khá nhưng có môn các cháu không thể hiểu trọn vẹn bài vở trên lớp. Nguyên nhân một phần là vì khối lượng học tập vẫn cao, dù các nhà quản lí luôn bảo là vừa sức. Một phần khác là trình độ học sinh có nhiều khác biệt, nhưng thầy cô không có đủ thời gian để hướng dẫn sâu sát từng em. Hơn nữa là, tuỳ mỗi giáo viên mà cách tiếp cận và phương pháp sư phạm khác nhau, không phải lúc nào cũng thích hợp với phong cách học tập của học sinh, cũng đa dạng không kém… Rốt cục, dù không hề chạy theo thành tích điểm số, nhưng các cháu vẫn phải đăng ký học thêm vài môn với các thầy cô phù hợp (không dạy mình chính khoá), để không rơi vào tình trạng hụt hơi trên lớp so với bạn bè.

Với các cháu, các thầy cô dạy thêm ấy gần như chỉ là người kèm cặp riêng cho mình và nhóm bạn, thường trong khoảng 5-10 em từ nhiều trường khác nhau. Với những nội dung lí thuyết mà trên lớp các em chưa hiểu, thầy cô giải thích kĩ lưỡng hơn. Với bài tập, thầy cô tập hợp các dạng bài khác nhau, giao cho từng bạn ngồi làm và sửa bài cẩn thận cho từng bạn. Thù lao thầy cô cũng không phải quá nhiều, so với các loại chi phí học ngoại khoá ở các trung tâm ngoại ngữ, văn hoá, nghệ thuật khác. Học thêm ở nhà thầy cô theo nhóm nhỏ như thế vừa ấm cúng thân tình vừa hiệu quả, khác hẳn việc mời gia sư về nhà mình kèm riêng, hay đi học ở các trung tâm hoặc với những thầy cô “nổi tiếng” mà lớp học lúc nào cũng đông đúc đến ngộp thở.

Nói về dạy thêm học thêm, tựu trung có hai nhóm: dạy thêm một cách chính đáng theo nhu cầu của học sinh, và lạm dụng quyền lực giáo viên để ép học sinh đi học thêm. Từ gần 20 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ra đến ba văn bản nhằm tăng cường quản lí việc dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường. Tất cả các văn bản đều cấm ép buộc học sinh học thêm có thu tiền. Nhưng thực tế, cả chục năm nay tình trạng giáo viên dùng mọi ”chiêu trò” làm khó học trò để các em phải “tình nguyện học thêm” chưa bao giờ được giải quyết tận gốc.

Từ chỗ chỉ cho phép giáo viên dạy thêm có thu tiền với học sinh mình đang dạy trên lớp nếu được thủ trưởng đồng ý, quy định mới đã xiết chặt hơn, cấm hẳn. Nhưng điều đó cũng không phải là cơ sở chắc chắn để ngăn chặn sự xuất hiện của các “chiêu trò” mới thiên hình vạn trạng để lách luật. Thực tế hai văn bản trước đều cấm dạy thêm học thêm với học sinh tiểu học, nhưng ai cũng biết là văn bản cấm thì cứ cấm còn giáo viên dạy thì cứ dạy. Sự mạnh mẽ trong quy định mới có tác dụng như kỳ vọng hay không, thì cần phải chờ thêm vài năm nữa mới thấy rõ được.

Đối với dạy thêm chính đáng theo nhu cầu tự nguyện, có thể thấy được một tinh thần chung xuyên suốt cả ba văn bản, rằng dạy thêm học thêm là một hoạt động cần được cấp phép có điều kiện. Sau gần 20 năm giao cho các uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc cấp phép dạy thêm học thêm tại địa phương, rõ ràng không đạt hiệu quả, lần này thủ tục cấp phép được chuyển hẳn qua… Luật doanh nghiệp. Hiềm nỗi, bản thân Luật doanh nghiệp và các văn bản dưới luật liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh không có cùng cách định nghĩa về dạy thêm học thêm, nên áp dụng cụ thể như thế nào thì sẽ lại tuỳ thuộc vào cách diễn giải của từng địa phương.

Ý định tốt của cơ quan quản lí khi đưa ra quy định mới về dạy thêm học thêm là điều không phải bàn cãi. Vấn đề là quy định ấy dường như được xây dựng dựa trên giả định rằng chỉ cần dạy và học theo đúng chương trình là đủ. Nhưng như đã nói, trong một lớp học trình độ học sinh rất khác biệt; sĩ số lớp đông khiến giáo viên không có đủ thời gian sâu sát tới từng em. Mặt khác, trên bình diện chung số lượng trường lớp còn thiếu so với số lượng học sinh ngày càng tăng. Cơ sở vật chất và con người giữa các trường cũng không đồng đều. Áp lực của các gia đình muốn cho con em mình vào các ”trường tốt” làm gia tăng độ cạnh tranh ở các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Cơ chế tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi, tuy nhiều cơ hội rộng mở nhưng tính cạnh tranh ở nhiều trường hay ngành trở nên rất khốc liệt. Nhu cầu rèn luyện nâng cao thông qua dạy thêm học thêm để vượt lên tốp đầu là không thể tránh khỏi.

Trước đây, trường học còn có cơ chế để tổ chức dạy phụ đạo có thu phí cho học sinh yếu hay bồi dưỡng tăng cường cho học sinh có nhu cầu ôn luyện thi cuối cấp. Giờ đây quy định không được thu phí dạy thêm trong nhà trường khiến tất cả các trường rơi vào thế khó. Xin thêm ngân sách nào phải chuyện dễ, mà dạy miễn phí thì mấy ai tình nguyện, nên an toàn nhất là chấm dứt hẳn, để phụ huynh và học sinh tự xoay sở phần mình.

Một dạng giả định khác là giáo viên chỉ cần dạy đúng chương trình, làm đúng nhiệm vụ ở trường thì đời sống kinh tế được bảo đảm. Quả thực, chính sách lương bổng đối với ngành giáo dục trong những năm gần đây đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng so với mặt bằng chung, đặc biệt là ở các thành phố lớn, thì vẫn còn khá thấp. Không kể đến kiểu lạm dụng quyền lực ép buộc học sinh đi học thêm, nhiều giáo viên lâu nay chỉ có cách cải thiện thu nhập của mình bằng các hình thức kèm cặp riêng theo nhu cầu tự nguyện của phụ huynh và học sinh, rất đa dạng chứ không chỉ mỗi chuyện dạy chữ, ôn lí thuyết, rèn bài tập theo chương trình chính khoá… Nhưng bây giờ thì tất cả đang lúng túng, không biết việc gì bị cấm, việc gì được làm, nếu được thì làm như thế nào.

Trong vô vàn các ý kiến trái chiều trước quy định mới về dạy thêm học thêm từ mấy tháng nay, có một điểm mà ít người chú ý đến. Theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, một thông tư cấp bộ cần có bước thẩm định dự thảo trước khi trình ký ban hành. Trong hồ sơ thẩm định dự thảo thông tư cần có bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo, cũng như báo cáo đánh giá tác động. Rất tiếc là, với Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm, các tài liệu này không được công khai. Đặc biệt là bản báo cáo đánh giá tác động xã hội, không rõ ai là tác giả, mẫu khảo sát gồm những nhóm đối tượng nào, phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu là gì, những vấn đề xã hội đã và vẫn đang băn khoăn có được đề cập trong báo cáo ấy… Hay các kịch bản tác động với các nhóm đối tượng khác nhau, thậm chí mô phỏng các quy trình thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép… có được lưu tâm nghiên cứu, thử nghiệm, hay đề xuất các giải pháp đồng bộ hoá trước khi triển khai.

Trong y khoa, một bác sĩ giỏi không chỉ nhìn vào triệu chứng, mà còn biết phân tích thấu đáo nhiều yếu tố và biến số tiềm ẩn phía sau các biểu hiện dễ thấy bên ngoài, thậm chí phải hội chẩn để xác định đúng căn nguyên bệnh trước khi ra toa hay chỉ định phác đồ điều trị. Với một vấn đề xã hội phức tạp như dạy thêm học thêm, sự bí ẩn của bản báo cáo tác động kia chưa thực sự mang lại cảm giác chắc chắn rằng lần này “bác sĩ” đã “chẩn đúng bệnh” và “kê đúng thuốc”.


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm