KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

“Tiến sĩ giấy” và tính trách nhiệm

Điện thư In PDF

Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 16/06/2010 đăng tin “Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh!”, có những đoạn viết:

Viện kinh tế (Bộ Tài chính) là nơi giới thiệu ông đi làm tiến sĩ tại trường đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. […] Khi ông Ân đi đào tạo tiến sĩ, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí. […] Tại tỉnh Phú Thọ hiện còn có khoảng 10 người cũng được đào tạo tiến sĩ như theo kiểu của ông Ân!

Ông Nguyễn Ngọc Ân ghi danh ở một trường đại học nước ngoài, nên mặc dù có quy chế đào tạo tiến sĩ trong nước, nhưng sẽ khó áp dụng được trong trường hợp này. Khi đó, cần phải xem xét theo quy định về việc công nhận văn bằng đào tạo của nước ngoài. Trong việc này, có một số vấn đề rất đáng để suy nghĩ.

Trước tiên, một quy trình tổ chức đào tạo như thế không thể nào đảm bảo được chất lượng, cho dù đó là trường mang tên “đại học” ở bất cứ nơi đâu. Đấy là chỉ mới nói dạy học ở bậc đại học chứ chưa nói đến nghiên cứu khoa học ở bậc tiến sĩ. Ông Ân còn nói “tự học là chính thông qua tài liệu của trường đại học Nam Thái Bình Dương soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD”, thì không biết trường này có đội ngũ chuyên gia đến đâu để từ Hoa Kì mà có đầy đủ giáo trình bằng tiếng Việt cho người học!? Ai là người công nhận văn bằng này để ông Ân công khai xưng danh là “tiến sĩ”?

Thứ hai, “Đại học Nam Thái Bình Dương” là trường nào, tên gọi nguyên ngữ là gì? Có hai khả năng cần phải phân định rõ ràng. Một trường có tên “The University of the South Pacific” (USP) với địa chỉ website: http://www.usp.ac.fj, trụ sở đặt tại Fiji và có cơ sở ở nhiều nước thuộc khu vực Thái Bình Dương; đây là một trường có uy tín, với chất lượng đào tạo được công nhận rộng rãi trên thế giới. Một trường khác có tên “South Pacific University” (SPU), theo nhiều nguồn thông tin thì SPU được đăng kí tại California (Hoa Kì), nhưng trụ sở đặt tại Hawaii, với ba địa chỉ website http://www.southpacificuniv.edu, http://www.southpacificuniv.info, http://www.southpacificuniv.net; trường này xuất hiện thường xuyên trong các bảng “danh sách đen” mà các trường đại học lớn tại Hoa Kì dành cho các trường đào tạo sau trung học không được công nhận kết quả đào tạo. Nghĩa là, ngược lại, trong danh sách các trường đại học, học viện và chương trình đào tạo đại học được Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) của Hoa Kì công nhận, không có tên trường “South Pacific University”. Với quy trình đào tạo được mô tả trong bài báo trên, rất dễ đoán “Đại học Nam Thái Bình Dương” chính là “South Pacific University”.

Thứ ba, ngoài việc không được CHEA công nhận chất lượng kiểm định, còn có một vấn đề nghiêm trọng khác: trường này đã bị kết án tại Hawaii vì vi phạm pháp luật của bang này trong quá trình hoạt động. Theo bản án từ năm 2002 này, SPU và tất cả nhân viên hay những người kế thừa có liên quan đều bị cấm tham gia hoạt động trong mọi chương trình dạy học có cấp bằng sau trung học; bản thân SPU không được mang danh nghĩa “viện”, “đại học”, “học viện”, “viện đại học” hay bất cứ tên gọi nào khác có nghĩa tương tự. Cũng do đó mà các tên miền kể trên của SPU đều bị cấm truy cập...

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là: SPU đã bị giải thể tại Hawaii từ cách đây tám năm, bây giờ còn không biết trụ sở ở đâu, thông tin liên hệ thế nào; nếu quả thật nơi ông Ân học là SPU, thì tại sao một nơi có chức năng chuyên môn như Viện Kinh tế của Bộ Tài chính lại có thể giới thiệu ứng viên đi học tiến sĩ ở một trường như vậy và UBND tỉnh Phú Thọ có thể chấp nhận gửi cán bộ đi học nước ngoài theo kiểu đó? Chẳng lẽ tiền thuế của nhân dân lại dễ dàng được sử dụng một cách phung phí để đào tạo ra các “tiến sĩ giấy” như thế sao?


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm