KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Triết lí giáo dục và khoa học giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, người ta có thói quen dẫn lời Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhưng trong thực tế hàng mấy chục năm nay, hầu như chưa lúc nào câu trích dẫn đã thành khẩu hiệu ấy được thực hiện một cách đúng nghĩa. Những thay đổi mang tên cải cách, cải tiến, đổi mới... hay nói không với nói có một hai ba bốn... đủ các kiểu gần như chỉ phụ thuộc vào những ý chí nhất thời mà thiếu hẳn một kim chỉ nam dài hạn hướng đến “lợi ích trăm năm”.

Vì thiếu cái nhìn căn cơ dài lâu nên cách dễ nhất là làm cái gì đang là “thời thượng”, đang được bàn luận sôi nổi trong giới học thuật hay công chúng (dù đúng ra, cái nhìn của nhà giáo dục phải vượt xa đến tầm nhìn dẫn dắt công chúng). Cứ thế, sau những trào lưu xây dựng đại học đẳng cấp thế giới, đánh giá chương trình quốc tế, theo đuổi mục tiêu có trường đại học xếp hạng 200,... bây giờ lại quay về đi tìm... “triết lí giáo dục”.

Kể từ khi các trí thức tên tuổi và có lòng với giáo dục quốc dân lần lượt lên tiếng, phát biểu và nhắc đi nhắc lại, “triết lí giáo dục” dần dần nổi lên như một hiện tượng. Đến mức gần đây có thông tin rằng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “giao nhiệm vụ khoa học” cho một nhóm nghiên cứu của một giáo sư tên tuổi, để “đề xuất triết lý giáo dục” cho nước nhà. Giáo sư đã không ngại ngần tuyên bố “so với một số cuốn sách của các tác giả nước ngoài […], cách tiếp cận về triết lý giáo dục của tôi sẽ khác, có thể sẽ mới mẻ với nhiều người1. Còn một nhà nghiên cứu khác lại cảnh báo rằng “phải coi trọng việc giới thuyết nội hàm khái niệm triết lý sao cho thật tường minh, cho thật tự giác, có hệ thống chặt chẽ để có được một khái niệm công cụ đắc lực tối đa...2

Khoan hãy bàn đến tính mới mẻ hay không của những khám phá Việt về triết lí giáo dục này. Điểm lại lịch sử giáo dục thế giới, có thể thấy cốt lõi của những tư tưởng giáo dục vĩ đại nhất thường nằm ở những chân lí hết sức giản đơn. Từ ngàn xưa ở phương Đông Khổng Tử đã nói điều gì ta không muốn thì chớ làm với người. Bên trời Tây, với Comenius thì ai cũng có quyền được giáo dục; với Piaget thì trẻ em là những sinh thể thông minh; Claparède thì bảo rằng ta có thể học được từ trẻ em; Decroly thì tổ chức nhà trường như một xã hội thu nhỏ; còn Monterossi luôn thấy mọi trẻ em đều có cơ may thành công; và Rousseau lại xem giáo dục là cách để tìm lại bản chất tốt đẹp của con người... Hay các chuyên gia do UNESCO mời cách đây 15 năm cũng chỉ dùng bốn động từ để nói về nền tảng của giáo dục trong thế kỉ XXI: “Học để biết, học để làm, học để sống cùng nhau và học để thành người”3.

Khi thì hăm hở chạy theo “mốt” của thế giới toàn cầu hoá, khi thì như một triết gia đóng cửa ngồi thiền trầm ngâm về sứ mệnh cao cả của giáo dục, trong lúc ở đời thực hết năm này qua tháng nọ bao nhiêu người phải đối mặt với những bộn bề lương bổng, dạy thêm học thêm, thi cử tuyển sinh, đổi sách giảm tải, thêm môn bớt tiết,... Nếu biết nhìn ra ngoài, chúng ta sẽ thấy mình vẫn loay hoay mãi với một phương pháp luận bế tắc. Theo đó, khi có một vấn đề giáo dục nảy sinh trong thực tế, nhà chức trách phải có trách nhiệm tìm ra một giải pháp. Mỗi giải pháp nêu ra đều kèm với một số bằng chứng, và thường là có nhiều giải pháp khác nhau với các chứng cứ khác nhau cho cùng một vấn đề. Đến lượt mình, nhà chức trách lại cân đo đong đếm các ý kiến thuận và chống trong mỗi giải pháp, rồi phải đánh giá tất cả theo những mục tiêu và giá trị riêng của mình. Do vậy, cái hiệu quả ngắn hạn thường hạn chế tính khách quan của các chính sách giáo dục được phê duyệt4. Thiết nghĩ không cần phải nói nhiều về bằng chứng cho chuyện chính sách giáo dục ở Việt Nam luôn thay đổi xoành xoạch từ nhiệm kì này qua nhiệm kì khác; tất cả chính là hậu quả của cách tiếp cận lỗi thời nói trên.

Vậy cái thiếu ở giáo dục Việt Nam là gì? Không phải thiếu triết lí giáo dục theo một cảm quan mơ hồ! Không phải thiếu những nhân tố tiềm năng cho một tương lai rạng rỡ trên tầm cao tri thức của nhân loại. Cái đang thiếu và rất thiếu là một nền khoa học giáo dục đúng nghĩa. Những “triết gia” giáo dục phải thực sự nắm vững phương pháp luận nghiên cứu triết lí giáo dục. Những nhà quản lí giáo dục phải tiếp cận được một cách có hệ thống với các dòng chảy giáo dục trên thế giới. Những nhà khoa học giáo dục phải vượt qua được lối tư duy cũ kĩ sáo mòn, thấy rất rõ qua cách đặt vấn đề máy móc, cách tham khảo tài liệu sơ sài, cách diễn giải cảm tính và cách kết luận khuôn mẫu, bài nào báo cáo nào luận văn nào cũng na ná từa tựa như nhau... Một nền khoa học giáo dục đúng nghĩa không có chỗ cho những ngôn từ “đao to búa lớn” hay những đặc cách mang tính tôn sùng cá nhân. Ở đó mọi vấn đề từ căn bản đến “thời thượng”, từ truyền thống đến hiện đại đều được đưa ra mổ xẻ, phân tích theo nhiều góc nhìn khác nhau, một-cách-khoa-học, tất cả cùng dự phần để tạo ra một cách nhìn thấu đáo, sâu sắc, toàn diện về mọi vấn đề của giáo dục. Chỉ khi đó, nhà chức trách mới có đủ những cứ liệu khách quan nhất để đưa ra những chính sách giáo dục lâu bền phù hợp với “lợi ích trăm năm”.

Không thể có trường đại học đẳng cấp thế giới khi chỉ quanh quẩn 14 % giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ. Dồn hết lực để đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm để mong nâng con số ấy lên gấp 4 lần, trong cùng thời gian ấy số trường đại học sẽ tăng lên gấp... 4 lần. Chạy mãi vẫn cứ quay về điểm xuất phát. Cũng không thể có trường đại học xếp hạng 200, khi mỗi năm thi cử đều xuất hiện bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười về chất lượng giáo dục phổ thông, và khi bình quân mỗi năm tất cả các nhà nghiên cứu Việt Nam có chưa đến 1.000 bài báo khoa học đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín, tức mỗi trường đại học chưa đến 10 bài. Một toà tháp cao không thể xây trên một nền hẹp với những viên gạch chịu lực kém. Và không thể có một “triết gia” giáo dục, nếu không có những nhà nghiên cứu thực sự biết cách giữ cho mình bình thản trước mọi sự kích động thời thượng, không chạy theo những ham chuộng nhất thời, không hô hào khẩu hiệu; người ấy luôn dấn bước đi tới, không dựa dẫm nương nhờ, tự thân khám phá và chiêm nghiệm lại những chân lí giáo dục giản đơn của nhân loại. Điều mà Olivier Reboul đã làm với quyển sách nổi tiếng “Triết học giáo dục” từ cách đây hơn 20 năm5.

===

Chú dẫn:

1Phạm Minh Hạc (Thanh Hà ghi). Một triết lý mang tên “giá trị bản thân”. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 37-2011 (1455), tr. 8.

2Nguyễn Đình Chú. Tìm triết lý nào cho nền giáo dục nước nhà? Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 37-2011 (1455), tr. 11.

3Tiếng Anh: Learning to know, learning to do, learning to live together and learning to be; tiếng Pháp: Apprendre à connaître, apprendre à faire, apprendre à vivre ensemble et apprendre à être (Delors et al., 1996 <http://www.unesco.org/ulis/cgi-bin/ulis.pl?catno=109590&set=4E8C9712_3_436&gp=1&lin=1&ll=1>).

4Phillips DC. The contested nature of empirical educational research (and why philosophy of education offers little help). Journal of Philosophy of Education, 2005, 39(4): 577-597.

5Forquin JC. Débat autour d'un livre - Où en est la philosophie de l'éducation ? - Reboul (Olivier). — La philosophie de l'éducation. Revue française de pédagogie, 1990, 90(1): 99-102.


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Nguyễn Lâm Thúy     |118.68.61.xxx |2018-11-16 09:08:55
Bạn nghĩ sao về:

- Triết lý GIÁO DỤC - HỌC TẬP là: Học để
sống AN TOÀN - ĐỘC LẬP - TỰ DO hơn.

- Chiến lược giáo dục
là HỌC LÀM NGƯỜI & HỌC LÀM NGHỀ.

- Phương châm giáo dục là
RÕ RÀNG LÀ SỨC MẠNH.
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm