KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Từ Huy chương Fields 2010, nghĩ về xếp hạng đại học và chất lượng giáo dục

Năm 2010 có lẽ là một năm đáng nhớ đối với cộng đồng học thuật nước ta, bởi lần đầu tiên có người còn mang quốc tịch Việt Nam được trao tặng Huy chương Fields, một trong hai giải thưởng danh giá nhất của cộng đồng khoa học toàn cầu. Tuy nhiên, cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng chúng ta được “vui lây”, chứ không thể cho rằng đây là thành tích hay phần thưởng dành cho nền toán học (và khoa học-giáo dục) Việt Nam! Vậy thì, sau khi những phấn chấn ban đầu dịu đi, lắng sâu, suy nghĩ, chúng ta thấy gì qua sự kiện này?

Trước khi Huy chương Fields 2010 được trao tặng chưa đầy một tuần, ARWU đã công bố bảng xếp hạng 2010 của mình. Các trường đại học Pháp, với hai Huy chương Fields năm 2010 là Ngô Bảo Châu và Cédric Villani, vẫn chiếm những vị trí khiêm tốn: 22 trường thuộc Top 500, 7 trường thuộc Top 200 và 3 trường thuộc Top 100. Với cơ cấu tính điểm của ARWU, thứ hạng năm tới của các trường đại học Pháp nơi hai nhà toán học này đã từng theo học hay đang làm việc ở thời điểm tháng 08/2010 có lẽ sẽ thay đổi đáng kể.

Nếu giả định rằng kết quả xếp hạng này phản ánh được chất lượng nghiên cứu khoa học của các trường đại học, thì câu hỏi đặt ra là: chất lượng ấy đến từ đâu?

Hãy xét riêng trường hợp Ngô Bảo Châu để xem thử Việt Nam có khả năng có mặt trong Top 200 như không ít người mong đợi hay không. Lộ trình từ Hà Nội 1972 đến Hyderabad 2010 của anh có thể nói là có nhiều duyên may: học thực nghiệm sư phạm cấp I, học chuyên toán cấp III, học thi Olympic Toán với các thầy giỏi nhất Việt Nam, học đại học và cao học ở các trường đại học lớn nhất nước Pháp, làm luận án tiến sĩ với một bậc thầy toán học và nghiên cứu toán học trong những môi trường học thuật mẫu mực hàng đầu của thế giới; tất nhiên, sợi chỉ dẫn dắt xuyên suốt quá trình đó chính là tư chất cá nhân cộng với sự giáo dục của gia đình. Thành tích ngày hôm nay của một mình Ngô Bảo Châu là tổng hoà của nhiều yếu tố, qua một quá trình lâu dài. Nếu gọi đó là chất lượng giáo dục, thì rõ ràng chất lượng ấy đến từ những nền tảng cần thiết nhất trong giáo dục, mà UNICEF (2000)1 đã đúc kết thành những điều kiện chính như sau:

  • môi trường học tập trong sạch, an toàn;

  • chương trình và học liệu thích hợp để lĩnh hội kĩ năng sống;

  • giáo viên có nghiệp vụ theo quan điểm người học là trung tâm;

  • thành tựu giáo dục (kiến thức, kĩ năng, thái độ) gắn với mục tiêu quốc gia và hoạt động xã hội tích cực.

Có thể hiểu các nhà lãnh đạo thường muốn có ngay kết quả trong ngắn hạn; song với một đất nước, một dân tộc, giáo dục lại là “sự nghiệp trăm năm”. Dồn toàn lực đầu tư cho ngắn hạn để đi tắt đón đầu có thể là một cách, nhưng có lẽ sẽ khó lòng đạt đến chất lượng giáo dục chân thực, bởi, theo Harvey và Green (1993)2, người ta vẫn hay nhầm lẫn với một giả định rằng khi một trường đại học tuyển lựa những sinh viên giỏi nhất, cung cấp cho họ những nguồn lực tốt nhất cả về vật chất lẫn con người, thì cho dù tiến trình học tập của sinh viên diễn ra thế nào, chất lượng vẫn sẽ đến. Có không ít tài năng trẻ Việt Nam cũng được học trường tốt, nhận được nhiều nguồn lực đầu tư, nhưng vẫn không đạt được thành quả rực rỡ.

Hai mươi năm trước, chắc cả gia đình lẫn thầy cô của Ngô Bảo Châu không dám nghĩ đến niềm vinh dự ngày hôm nay. Nhưng giờ đây, họ đã thu được trái ngọt từ những bước đầu tư chậm rãi mà chắc chắn trên mỗi bước đường anh đi. Anh hẳn không bao giờ tự đặt cho mình mục tiêu phải đứng lên hàng đầu trong làng toán học thế giới, nhưng một khi nền tảng dưới chân anh được vun đắp chắc chắn, bước lên đỉnh cao chỉ còn là việc của thời gian.

Con đường của Ngô Bảo Châu đến với Huy chương Fields 2010 cho phép chúng ta nghĩ lại: nên “no dồn đói góp” để (mơ hồ mong ước) có được một trường đại học thuộc Top 200? Hay nên củng cố đồng bộ những điều kiện cơ bản nhất để tất cả các trường đại học đạt được mặt bằng chất lượng về giáo dục, rồi vài trường trong số đó tuỳ năng lực đầu tư mà hướng dần đến những đỉnh cao hơn?

Nguyễn Tấn Đại (Nghiên cứu sinh chuyên ngành Khoa học Giáo dục, Đại học Strasbourg, Pháp)

[Bài đăng trên Bản tin Trung tâm Khảo thí & Đánh giá Chất lượng Đào tạo, ĐHQG-HCM, số 4/2010, tr. 13-14)

1 United Nations Children’s Fund (UNICEF). 2000. Defining quality in education. Working Paper Series, Document No. UNICEF/PD/ED/00/02. Presented at the meeting of The International Working Group on Education Florence, Italy, June 2000.

2 Harvey L, Green D. 1993. Defining quality. Assessment & Evaluation in Higher Education, 18(1): 9-34.


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm