KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Bàn về một giải pháp đổi mới thi cử lâu dài

Tính đến ngày 10/02/2014, đã có nhiều trường đại học công bố các phương án tuyển sinh riêng của mình, trong đó hầu hết vẫn dựa chủ yếu vào kì thi tuyển sinh “ba chung” và dành một phần nhỏ cho việc tổ chức thi riêng các môn đặc thù hoặc xét tuyển dựa trên học bạ phổ thông. Song song đó, Bộ GD&ĐT đã cung cấp nhiều thông tin giải thích thêm một số điểm liên quan đến việc điều chỉnh phương án thi và công nhận kết quả tốt nghiệp THPT. Trong đó đáng chú ý là phương án tổ chức thi tự chọn trong ba ngày, bằng cách ghép từng cặp 2 môn thi tự chọn vào một buổi (Địa lí và Hoá học, Lịch sử và Vật lí, Ngoại ngữ và Sinh học), bố trí lệch giờ. Tức là, ngoài 2 môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc trong các buổi thi riêng, học sinh nào có thiên hướng thi đại học khối A sẽ có thể chọn thi Hoá học và Vật lí, khối B là Hoá học và Sinh học, khối C là Địa lí và Lịch sử, khối D là Ngoại ngữ.

Thực chất, thời gian thi có thể được rút ngắn không phải do bản chất của giải pháp thi cử, mà là do “thủ thuật sắp xếp”: giả sử học sinh muốn thi 2 môn được bố trí cùng buổi thì sao? Về nguyên tắc, học sinh vẫn có quyền chọn và tự chịu áp lực ôn bài thi (2 môn trong cùng buổi) với lựa chọn của mình. Nhiều năm qua thi bắt buộc 6 môn với cùng thời lượng, Bộ GD&ĐT phải tổ chức trong 3 ngày, với mỗi môn thi riêng một buổi và chắc chắn không ai dám bắt buộc học sinh thi cả 2 môn trong cùng một buổi cả. Xét về mặt giáo dục, bố trí lịch thi như vậy sẽ công công bằng đối với mọi khả năng lựa chọn của học sinh: các em được “định hướng” chỉ chọn môn thi theo khối A, B, C hoặc D mà thôi; em nào không theo “định hướng” này thì tự chịu trách nhiệm!


Khi nhìn trước mắt với cách tuyển sinh theo khối thi như hiện nay, dư luận có thể tạm yên tâm về hai tác dụng tức thời của giải pháp này: tạo được cảm giác thi cử nhẹ nhàng cho học sinh, giáo viên và cả dư luận; và cho phép học sinh tập trung vào các môn theo một khối thi nào đó. Tức là giải đáp được câu hỏi về việc kéo dài thời gian thi thành 4 ngày trong bài “Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học: Cần một giải pháp khác” (Tia Sáng, ngày 06/02/2014), nhưng tất cả những câu hỏi khác vẫn còn bỏ ngỏ.

Về việc miễn thi tốt nghiệp THPT

Có nhiều lời khẳng định rằng miễn thi tốt nghiệp cho 20 % học sinh khá giỏi là xứng đáng, dựa trên tỉ lệ học sinh khá giỏi trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề của việc miễn thi không phải là sự xứng đáng, mà là có đảm bảo công bằng hay không. Trong thực tiễn, tình hình trường lớp và điều kiện kinh tế xã hội của tất cả các tỉnh thành trong cả nước hiện nay là cực kì đa dạng. Nếu thừa nhận một sự phân cấp về chất lượng chung giữa các trường phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, phổ thông dân lập, phổ thông công lập tự chủ tài chính (trước là bán công), phổ thông công lập bình thường, phổ thông công lập chất lượng khá, phổ thông công lập chất lượng cao, phổ thông chuyên,... thì ta sẽ có vô vàn những trường hợp “khá giỏi của trung bình yếu”, “khá giỏi của bình thường”, “khá giỏi của khá”, “khá giỏi của giỏi”, “khá giỏi của rất giỏi”... Thật khó có một thước đo chính xác nào để thoả mãn được tiêu chí công bằng cho tối đa các trường hợp được miễn thi.

Đánh giá học sinh khá giỏi trong năm học là việc của mỗi trường THPT. Hiện trong cả nước chưa có địa phương nào có hệ thống đánh giá xếp loại học sinh đồng loạt cho tất cả các trường THPT do mình quản lí. Do đó, sẽ không thể có một tỉ lệ chung 20 % học sinh khá giỏi đồng nhất về mọi tiêu chí trong phạm vi một Sở GD&ĐT. Còn giao quyền cụ thể hoá các tiêu chí miễn thi về cho từng Sở GD&ĐT, thì mọi thứ lại càng rắc rối: điều kiện dạy-học thế nào là đảm bảo chất lượng, kết quả đã đạt được đến mức nào thì được cấp tỉ lệ nhiều hay ít, tỉnh thành này so với tỉnh thành khác có quy định giống nhau hay khác nhau, lại còn phải trình ra chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và tổng tham mưu trưởng quân đội trung ương phê duyệt,... Áp dụng một con số chính xác cụ thể, dựa trên những tiêu chí rất mơ hồ hay cảm tính, liên quan đến quyền lợi của hàng trăm ngàn học sinh, cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho vô số cách diễn giải tuỳ ý khác nhau cho từng địa phương. Do đó, những công cụ giám sát được nêu ra trong dự định sẽ trở nên vô tác dụng. Bất công xảy ra ở mức độ vô kiểm soát sẽ là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp duy nhất đảm bảo sự công bằng là áp dụng một mức điểm trung bình chung nào đó mà học sinh đạt được để miễn thi, với giả định là mỗi trường THPT đều đảm bảo việc kiểm tra đánh giá học sinh được tất cả các giáo viên, từng người một, thực hiện một cách nghiêm túc và khách quan trong suốt năm học. Nhưng, đây chỉ là điều kiện lí tưởng mà chưa chắc trong nhiều năm tới nền giáo dục chúng ta đạt được. Bởi ta không có khung chương trình giáo dục quốc gia, không có chuẩn mực kiến thức, kĩ năng của học sinh ở từng cấp và từng lớp học. Thứ duy nhất dùng để tham chiếu thay cho chương trình và mục tiêu giáo dục là sách giáo khoa thì chất lượng thiết kế, biên soạn luôn là tâm điểm phê phán không chỉ của dư luận mà của cả chính những người thực thi...

Tóm lại, đối với vấn đề miễn thi tốt nghiệp THPT, hiện nay chỉ nên dừng lại ở việc xem xét những trường hợp đặc biệt, riêng lẻ, chủ yếu dựa trên thành tích đạt được trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế. Đây là những kì thi tuyển chọn tinh hoa, tự thân người tham gia đã phải qua một quá trình sàng lọc và rèn luyện từ cấp cơ sở, với kết quả thi và đánh giá vừa ở mức yêu cầu cao, vừa hoàn toàn độc lập với điểm số đánh giá thường kì của giáo viên đứng lớp. Đạt giải các kì thi này được miễn thi tốt nghiệp là điều đương nhiên chấp nhận được, vì điều đó không chỉ chứng minh năng lực vượt trội của học sinh so với bạn cùng lứa, mà còn là bằng chứng độc lập so với kết quả học tập thường kì mà học sinh tích luỹ được. Còn với các kì thi sáng tạo khoa học kĩ thuật thì còn phải xem xét cụ thể từng trường hợp, vì tính chất, quy mô và chất lượng các kì thi này có khi khác nhau rất nhiều. Riêng về ý tưởng sử dụng kết quả kì thi PISA để miễn thi tốt nghiệp THPT thì cần phải hết sức thận trọng; nói chung là không nên vì mục đích và cách tổ chức thi PISA không đồng nhất với mục đích đánh giá toàn diện học sinh phổ thông ở Việt Nam.

Về việc xét tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình năm học lớp 12

Thực tế là tất cả (100 %) học sinh dự thi tốt nghiệp THPT đều phải có điểm trung bình năm học 12 từ 5,0 trở lên và không có môn nào dưới 3,5. Nếu tỉ lệ đậu tốt nghiệp (điểm trung bình các môn thi từ 5,0 trở lên) trong toàn quốc là 90 %, thì độ lệch giữa điểm chấm thường kì của giáo viên đứng lớp với “chuẩn” quốc gia (thông qua đề thi chung) là 10 %. Có nghĩa là kì thi tốt nghiệp có tác dụng sàng lọc lại 10 % số trường hợp chấm điểm “chưa chuẩn” của giáo viên. Nhớ năm 2007 (dưới thời cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân), công luận hoan hỉ khi tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc rơi từ trên 90 % xuống gần 60 % vì cho rằng kết quả ấy mới đúng thực chất (tức có đến gần 40 % giáo viên cho điểm “chưa chuẩn”). Từ đó về sau, tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc cứ “bò” dần ngược lên đến hơn 90 %, ngược chiều với niềm tin của dư luận xã hội về chất lượng thực sự của kì thi này. Như vậy, việc chấm điểm thường kì “chưa chuẩn” của giáo viên mới chính là điều cần bận tâm, mới là lí do để phải duy trì kì thi tốt nghiệp quốc gia.

Nay, quy chế tổ chức nhà trường và quá trình dạy-học không hề có sự thay đổi về bản chất để kiểm soát hoạt động kiểm tra, đánh giá, cho điểm học sinh của giáo viên trong suốt năm học, cũng như hoàn toàn không có khả năng làm được việc đó trong vòng vài năm tới. Tức là việc cho điểm “chưa chuẩn” ở trường phổ thông trong cả nước vẫn tồn tại. Ở một số địa phương tỉ lệ này là thấp và tương đối ổn định, nhưng ở nhiều địa phương khác có biểu hiện của “bệnh thành tích” thì mức độ “lệch chuẩn” này là rất cao. Nếu cho phép điểm số “chưa chuẩn” ấy quyết định đến phân nửa khả năng tốt nghiệp của học sinh (tức là học sinh khi được dự thi đã đạt được 50 % điều kiện tốt nghiệp), thì rõ ràng tác dụng kiểm soát của kì thi tốt nghiệp sẽ càng bị triệt tiêu. Thi tự chọn thì học sinh đương nhiên sẽ chọn những môn nào mình học được nhất để thi, về lí thuyết điểm trung bình các môn thi (chiếm 50 % điều kiện tốt nghiệp) sẽ cao hơn. Như vậy, tỉ lệ đậu tốt nghiệp toàn quốc sẽ lại càng tiệm cận với mức tuyệt đối 100 %, và ý nghĩa của kì thi này lại càng không còn gì.

Chưa kể, điều đó còn gây ra một nguy cơ khác, đó là các trường và giáo viên đứng lớp lại càng có nhiều “cơ hội”, hoặc để nâng điểm thường kì cho học sinh của mình được đậu tốt nghiệp, hoặc để gây áp lực thúc ép học sinh đi học thêm vì mục đích... kinh tế. Nói trên lí thuyết thì chúng ta sẽ tin vào lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Nhưng nói từ thực tiễn thì bất cứ giáo viên nào cũng có thể làm được điều đó mà sẽ không một ban thanh tra nào có thể bắt bẻ được.

Về tính đồng bộ giữa hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN

Trong số các trường có đề án tuyển sinh riêng hoàn chỉnh nhất đã được Bộ GD&ĐT công bố, hầu hết đều chọn thi “ba chung” kết hợp với xét/thi tuyển riêng. Trong số các phương án xét/thi tuyển riêng, có ba hình thức: thi riêng các môn đặc thù theo ngành; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trung bình chung hoặc điểm một số môn); xét tuyển dựa trên học bạ (điểm trung bình chung hoặc điểm một số môn, của năm học lớp 12 hay của cả 3 năm học cấp III).

Nếu như mục tiêu của Bộ GD&ĐT là chấm dứt kì thi tuyển sinh đại học trong 3 năm nữa, ngoại trừ các môn đặc thù cần phải tổ chức thi riêng, kì thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập những năm cấp III của học sinh đương nhiên trở thành căn cứ để xét tuyển chủ yếu cho tất cả các trường. Bởi đơn giản là không thể hình dung ra tình hình sẽ ra sao nếu hàng mấy trăm trường tổ chức thi tuyển sinh một cách độc lập và riêng rẽ với hàng triệu thí sinh trong cả nước. Như vậy, việc xét tuyển đại học, cao đẳng dựa vào điểm thi tốt nghiệp và học bạ THPT sẽ diễn ra như thế nào nếu Bộ GD&ĐT áp dụng cách thi tốt nghiệp tự chọn và chế độ miễn thi như nêu trong dự thảo?

Trở ngại đầu tiên liên quan đến điểm hàng năm lưu trong học bạ, đó là tình huống khi một trường nhận được nhiều hồ sơ đăng kí có mức điểm ngang nhau, nhưng có nguồn gốc từ các trường khác nhau và các tỉnh/thành khác nhau. Quyết định chấp nhận tất cả các hồ sơ theo mức điểm đề ra, hay cân nhắc xem trường này hay tỉnh kia có mức độ tin cậy cao hay thấp? Theo một phân tích của Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên (Tuần Việt Nam, 23/06/2010), có đến hàng chục tỉnh thành có kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động hết sức bất thường từ năm này qua năm khác, trong khi một số tỉnh thành khác thì kết quả thi hàng năm tương đối ổn định. Đến một kì thi quốc gia, với đề thi nhìn chung là tương đối dễ, chỉ đòi hỏi những kiến thức đã học trong năm học lớp 12, mà kết quả còn lên xuống thất thường, không cách gì lí giải được, thì dựa vào cơ sở nào để có niềm tin vào những con điểm ghi trong học bạ của những tỉnh thành đó, vốn do giáo viên ở từng trường tự quyết định? Không chấp nhận thì vướng về mặt lí, còn chấp nhận thì hẳn là khó mà yên tâm thực sự. Nguy cơ trong tương lai sẽ còn cao hơn, khi kì thi tốt nghiệp không còn tác dụng kiểm soát tình trạng chấm điểm thường kì trong năm học “chưa chuẩn”, như đã trình bày. Căn bệnh thành tích của nhiều địa phương sẽ càng ngày trầm trọng, nguồn tuyển vào cho các trường đại học sẽ ngày càng bấp bênh.

Một giải pháp an toàn hơn cho các trường, đó là xét cả học bạ và lẫn điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi dù sao, thi tốt nghiệp THPT là kì thi quốc gia, kết quả của nhiều địa phương có thiếu độ tin cậy thì vẫn còn hơn điểm ghi trong học bạ. Nếu kết hợp xét cả điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ, có thể sẽ có nhiều cơ sở hơn để xác định độ tin cậy của điểm số học sinh đạt được. Tuy vậy, điều đó đòi hỏi kì thi tốt nghiệp THPT phải ngày càng mạnh hơn, phản ánh xác thực hơn trình độ của học sinh. Nhưng như đã nêu, thi tốt nghiệp THPT tự chọn cùng với xét tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình năm học 12 như bản dự thảo nêu ra có nguy cơ làm suy yếu đi kì thi này, vì không cho thấy cơ sở khả thi để đảm bảo được chất lượng dạy-học và đánh giá thường kì của tất cả các trường phổ thông trong cả nước theo một mặt bằng quốc gia.

Một vấn đề nữa là khi thi tốt nghiệp tự chọn, và các trường xét tuyển theo điểm của từng môn học liên quan đến ngành đào tạo, thì sẽ áp dụng điểm môn thi tốt nghiệp hay điểm trung bình môn học đó trong năm? Nếu xét theo điểm thi tốt nghiệp của môn tuyển (về nguyên tắc là khách quan hơn) thì lỡ học sinh không chọn thi môn ấy thì sao? Hoặc nếu thí sinh có thi tốt nghiệp môn cần tuyển, nhưng kết quả có sự khác biệt đáng kể so với điểm trong năm của cùng môn ấy, thì sẽ phải xét điểm nào? Có một khả năng là nếu thí sinh không thi tốt nghiệp môn cần tuyển thì sẽ chuyển qua xét học bạ; cũng như là nhiều trường đã đưa ra phương án chỉ xét tuyển dựa trên điểm trung bình môn học trong năm mà không lấy điểm thi tốt nghiệp của các môn ấy. Nhưng như vậy thì phải đặt lại câu hỏi về ý nghĩa của kì thi tốt nghiệp tự chọn: có cần tổ chức một kì thi phức tạp chỉ để lấy được con điểm trung bình các môn thi làm 50 % điều kiện tốt nghiệp? Và tại sao lại bỏ qua một cứ liệu khách quan hơn để dùng một cứ liệu khác chủ quan hơn trong xét tuyển?

Cũng liên quan đến việc xét tuyển theo môn học, giả sử các trường đại học xét tuyển theo môn thi tốt nghiệp (vì có cơ sở khách quan cao hơn điểm học bạ). Thí sinh muốn ứng tuyển vào ngành nào, trường nào phải chọn thi tốt nghiệp môn xét tuyển của ngành ấy, trường ấy. Vấn đề là, chúng ta đều biết đa số các bạn trẻ ngày nay thường băn khoăn, bối rối, mất định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp. Nếu chọn thi tốt nghiệp môn này, kết quả đạt, nhưng không trúng tuyển vào trường mình đăng kí, mà sau đó muốn thay đổi sang một ngành khác, trường khác xét tuyển trên môn khác (không chọn thi) thì sao? Không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng hẳn là có không ít bạn đã từng trúng tuyển vào một ngành học nào đó, theo học một thời gian rồi lại thấy chán hay không phù hợp, muốn đổi sang ngành khác, trường khác. Trong trường hợp đó, thi tuyển hay xét tuyển, chọn môn này hay môn kia, lấy điểm thi tốt nghiệp hay điểm học bạ, v.v. tất cả sẽ rối tung lên, không chỉ cho bản thân các thí sinh mà cả cho các cơ sở giáo dục (phổ thông) và đào tạo (sau trung học).

Cách định hướng nghề nghiệp và tuyển sinh phổ biến hiện nay vẫn là theo khối thi A, B, C, D... Đây là “di sản lịch sử”, có những lí do để tiếp tục chấp nhận trong một thời gian trước mắt, nhưng sẽ phải và đang bắt đầu có sự thay đổi. Nhìn vào danh mục khối thi tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ hiện nay, có thể thấy không ít ngành có thể tuyển đầu vào từ hai hay nhiều khối thi. Nghĩa là để chọn sinh viên cho các ngành ấy, xét riêng kết quả ba môn Toán, Vật lí, Hoá học cũng được; Toán, Hoá học, Sinh học cũng xong; hay Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí cũng chấp nhận; mà Toán, Văn, Ngoại ngữ cũng được nốt; v.v. Về định hướng nghề nghiệp lâu dài, khó có thể nói rằng học cách ngành khoa học xã hội (thói quen hiện nay là khối C) thì không cần giỏi ngoại ngữ, hay các ngành khoa học kĩ thuật (khối A, B) thì không cần giỏi lịch sử, địa lí. Khoa học hiện nay phát triển theo hướng liên ngành và có yêu cầu kiến thức nền tảng rộng từ bậc phổ thông. Các ngành khoa học về sự sống, con người hay kĩ thuật môi trường học đòi hỏi sinh viên không chỉ giỏi hoá học hay sinh học mà cả vật lí, địa lí. Các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế và luật không chỉ đòi hỏi kiến thức tổng quát về xã hội (văn học, lịch sử, địa lí) mà cả khả năng tính toán, mô hình hoá (toán học) hay các kĩ năng tư duy khác...

Nhìn vào thực tế hiện nay, có thể thấy đa số học sinh đều chọn thi nhiều lượt với nhiều khối thi như một giải pháp an toàn cho chính bản thân. Có nghĩa là lựa chọn nghề nghiệp của phần đông các em còn chưa thực sự rõ ràng, chọn khối thi nào, học ngành gì, ở đâu,... chưa phải là quyết định cuối cùng và duy nhất ở thời điểm làm hồ sơ thi tuyển sinh, hay cả khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3,... vì không đạt nguyện vọng 1. Trong tương lai, việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng phải dựa trên đánh giá kết quả học tập ở nhiều môn học khác nhau trong nhà trường phổ thông kèm với nhiều tiêu chí khác (viết luận, phỏng vấn, v.v.) chứ không còn nằm trong khuôn khổ 3 môn học của mỗi khối thi. “Thủ thuật” xếp 6 môn thi tự chọn trong 3 buổi để giảm bớt số ngày thi và “ép” học sinh lựa chọn môn thi theo khối chỉ có tác dụng cực kì ngắn hạn, nhưng chắc chắn không đáp ứng được những mục tiêu dài hạn về đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, tạo mọi cơ hội định hướng và thay đổi định hướng nghề nghiệp cho các em vào bất cứ thời điểm nào trong đời.

Về tính khả thi của giải pháp mới

Trong bài viết trước, giải pháp mới cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN đã được nêu ra với hai nguyên tắc chính: thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản (bao gồm Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ); xây dựng hệ thống tuyển sinh “một chung” theo mô hình của nước Pháp. Lộ trình chuyển tiếp sẽ là 3 năm, kể từ năm học 2014-2015, tương thích hoàn toàn với những nội dung đổi mới khác về trung hạn và dài hạn của ngành giáo dục.

Điểm chủ yếu có thể gây phản ứng, đó là việc học sinh lớp 12 sẽ phải thi tất cả 8 môn trong 4 ngày liên tục, sợ rằng các em sẽ không chịu được áp lực vì quá căng thẳng. Nếu chỉ xét ở góc độ duy nhất một kì thi này, lí do đó hoàn toàn đúng! Nhưng thử làm một phép tính cộng từ thực tế nhiều năm nay: 3 ngày thi tốt nghiệp, 4 ngày thi đại học (2 đợt), 2 ngày thi cao đẳng (1 đợt). Tổng cộng các em phải trải qua 7-9 ngày thi, với 13-15 lượt làm bài thi trong vòng 7 tuần (từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7). Tổng số môn thi hiện nay, tuỳ theo lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, có thể dao động từ 6 đến 8 môn (kể cả thi tốt nghiệp và tuyển sinh). Giải pháp mà dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ giải quyết được duy nhất một việc là giảm số môn thi tốt nghiệp cho mỗi học sinh, nhưng không cho thấy khả năng điều tiết quá trình dạy-học ở các trường phổ thông. Không chỉ vậy, cách đó sẽ gây ra bao điều bề bộn cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN, nhất là không mở ra triển vọng nào trong việc bãi bỏ kì thi “ba chung”. Với giải pháp mới, học sinh sẽ chỉ tập trung vào một đợt thi duy nhất, trong 4 ngày, với 8 lượt làm bài thi. Những em nào chọn ngành đặc thù thì chỉ cần thi thêm 1-2 môn năng khiếu. Và hết. Tất cả các trường đào tạo sau trung học đều có một nguồn tuyển phong phú, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với điểm học bạ (trung bình chung hoặc từng môn theo ngành đào tạo), ngày càng đồng nhất, chất lượng ngày càng tăng khi kỉ cương thi cử ngày càng nâng cao, thắt chặt.

Nhìn rộng hơn, cuộc đời của các em không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: chất lượng nền giáo dục các em thụ hưởng được mà kì thi tốt nghiệp THPT là bằng chứng xác nhận khách quan; và chất lượng định hướng nghề nghiệp mà giải pháp thi cử trong quá trình chuyển tiếp trung học-đại học có thể mang lại cho các em. Thực tế là do áp lực xã hội mà lâu nay chúng ta đã “nuông chiều” học sinh bằng cách cho kiểm tra thi cử dễ dãi, “đẩy bằng hết” các em ra khỏi trường phổ thông. Để rồi sau đó, do áp lực đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu, các trường đại học, cao đẳng cần tổ chức một kì thi tuyển khách quan có tính chọn lọc cao hơn, nghiêm khắc hơn. Hậu quả là mỗi năm hàng trăm ngàn học sinh rời khỏi trường phổ thông bị ách lại, loay hoay lựa chọn giữa học nghề (trung cấp, cao đẳng) và học chữ (đại học). Điểm sàn tuyển sinh mỗi năm đều dưới mức trung bình, một nghịch lí về giáo dục, nhưng các trường hay các ngành “chiếu dưới” đều phải chấp nhận vì không có cách nào khác đảm bảo nguồn tuyển cho đủ chỉ tiêu. Giải pháp mới, nếu có một áp lực, đó chính là áp lực đưa mọi cuộc thi cử ở bậc phổ thông về đúng với giá trị của nó, phản ánh đúng năng lực và trình độ học sinh, tiết giảm số kì thi trong đời các em, tăng cơ hội định hướng và lựa chọn nghề nghiệp cho các em,... Đó chẳng phải là mục đích mà ngành giáo dục cũng như cả xã hội luôn mong muốn đạt được?

Với kì thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản, ta sẽ không còn phải mất thời gian bàn cãi về việc thi hay không thi môn Ngoại ngữ, không còn gặp cảnh học sinh xé tài liệu ôn thi môn Lịch sử rải trắng sân trường, không còn loay hoay đặt vấn đề làm sao để học sinh yêu thích môn này hay môn khác... Bởi đơn giản, đó là nền tảng văn hoá cơ bản, là hành trang tối thiểu cần có để vào đời. Xét từ thực tiễn, ta thấy hiếm khi học sinh hay giáo viên than vãn về áp lực học hành, thi cử của hai môn Toán và Ngữ văn, vì hai môn này luôn là bắt buộc, phải học đều từ năm này qua năm khác. Tư tưởng học lệch bấy lâu nay chỉ liên quan đến các môn thuộc diện “bốc thăm may rủi” khi thi tốt nghiệp THPT 4 môn (ngày xưa) và 6 môn (từ hơn chục năm nay), trong đó, phần “thiệt” thường rơi vào các “môn thuộc bài” như Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Giải pháp mới, tưởng là gây áp lực cho học sinh nhưng thực chất lại là công cụ điều tiết tiến trình giáo dục, không chỉ ở phổ thông mà cả quá trình chuyển tiếp lên đại học. Thay vì chỉ tập trung ôn thi theo tinh thần “đối phó” trong vòng 1-2 tháng, giáo viên và học sinh sẽ rải đều quá trình chuẩn bị ra suốt 3 năm học cấp III.

Hiện nay, học sinh phải thi nhiều lần, nhiều đợt, mỗi lần thi xong không đạt thì kết quả cũ phải huỷ bỏ cả để làm lại từ đầu. Thi tốt nghiệp THPT cũng vậy mà thi tuyển sinh vào đại học hay cao đẳng cũng vậy. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn cho xã hội! Với giải pháp mới, vấn đề bảo lưu điểm thi năm trước và thi lại những môn không đạt trong những năm sau là khá dễ dàng. Điều kiện dự thi tốt nghiệp vẫn sẽ như hiện nay, đó là điểm trung bình tất cả các môn trong năm lớp 12 từ 5,0 trở lên, và không có môn nào dưới 3,5. Điều kiện tốt nghiệp sẽ là điểm trung bình 8 môn thi từ 5,0 trở lên, không có môn nào bị điểm liệt (hiện nay là 0 điểm). Nếu điểm trung bình 8 môn thi dưới 5,0, học sinh không được công nhận tốt nghiệp, nhưng được bảo lưu các bài thi đạt từ 5,0 trở lên, và chỉ cần đăng kí thi lại những môn chưa đạt vào năm sau. Cứ thế cho đến khi nào đạt điểm trung bình 8 môn văn hoá cơ bản từ 5,0 trở lên thì được công nhận tốt nghiệp.

Thậm chí, học sinh có điều kiện khó khăn hoàn toàn có thể chủ động “rải” thời gian thi tốt nghiệp: khi học sinh học xong lớp 12 thì nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn tất chương trình phổ thông; học sinh có thể đăng kí thi tốt nghiệp một số môn vào năm này để thuận tiện tập trung ôn bài, rồi sang năm sau thi một số môn khác; chỉ khi nào đạt đủ điểm trung bình 8 môn từ 5,0 trở lên và không có điểm 0 thì mới được cấp bằng tốt nghiệp, điều kiện tiên quyết để đăng kí học tiếp ở bậc trung cấp, cao đẳng, đại học. Về hình thức, kì thi đó sẽ tương tự như cách thi tự chọn mà Bộ GD&ĐT đang muốn áp dụng, nhưng về bản chất là khác biệt: học sinh không được quyền chọn học lệch, thi cử đối phó, nhưng hoàn toàn được quyền chọn tăng thời gian đầu tư cho việc học hành, thi cử, sao cho đạt được chuẩn mực giáo dục quốc gia. Như vậy, đối với một số đông học sinh trung bình yếu hiện nay, thay vì cho thi tốt nghiệp dễ dãi để các em ra trường, rồi không đạt ở kì thi tuyển sinh, rồi tốn thời gian và công sức luyện thi từ năm này qua năm khác, các em chỉ cần làm một việc duy nhất: tập trung ôn thi môn nào chưa đạt tốt nghiệp cho đến khi thành công. Bởi với sự thành công đó, cơ hội học tiếp ở các bậc cao hơn luôn mở ra dễ dàng cho các em thông qua cơ chế xét tuyển với quyền tự chủ tuyển sinh mà các cơ sở đào tạo có được, được điều phối nhịp nhàng qua hệ thống tuyển sinh “một chung”. Việc học sinh có nguyện vọng đổi ngành, đổi trường không còn là vấn đề nan giải vì tất cả các môn học đều đã có đầy đủ trong hồ sơ đăng kí.

Đi kèm với giải pháp mới, cần thay đổi quan niệm về thành tích giáo dục. Lâu nay ta chỉ quen nhìn vào “tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp THPT” (số thí sinh đạt trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp) để đánh giá thành tích của các trường hay địa phương. Ở Pháp, nơi vẫn duy trì kì thi tú tài và là nguồn gốc hình thành hệ thống giáo dục của ta hiện nay, đó chỉ là một trong ba tiêu chí đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục. Hai tiêu chí còn lại được xem xét, đó là tỉ lệ học sinh có bằng tốt nghiệp đầu ra trên tổng số học sinh đầu vào (bất kể thời gian học trong trường của học sinh là bao lâu), và tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường trên tổng số học sinh rời khỏi trường (kể cả vì lí do nghỉ học, chuyển trường) mỗi năm. Kết hợp cả ba tiêu chí đánh giá này, nước Pháp thể hiện đúng tinh thần bản chất của nền giáo dục phổ thông của các nước phương Tây, đó là phải tạo mọi điều kiện để giữ tối đa số học sinh trong độ tuổi đi học ở trong nhà trường cho đến khi được chuẩn bị sẵn sàng để bước ra cuộc đời nghề nghiệp hoặc bước lên giáo dục đại học. Áp dụng cách nhìn mới này, ta sẽ có thể kiểm soát được tình trạng “chạy thành tích” trên tổng thể. Các trường phổ thông sẽ không còn chịu áp lực thành tích, nâng điểm cho học sinh lên lớp (và “ngồi nhầm lớp”), chuyển học sinh yếu đi nơi khác để tăng tỉ lệ tốt nghiệp,... Học sinh lưu ban sẽ bớt mặc cảm và có cơ hội để sửa sai, rèn luyện trong nhà trường cho đến khi tốt nghiệp. Trong giai đoạn chuyển tiếp, có một năm “bản lề” sử dụng hệ thống tuyển sinh “một chung” cùng với kì thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn và thi tuyển sinh đề chung. Khi đó, sẽ có đầy đủ dữ liệu để đối chiếu kết quả cả hai kì thi, dễ dàng phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả đánh giá thường kì (học bạ) và kết quả thi tốt nghiệp tại bất cứ trường THPT nào trong cả nước, đồng thời cung cấp thêm những tiêu chí khác về chất lượng giáo dục phổ thông: tỉ lệ học sinh của từng trường THPT trúng tuyển vào từng bậc đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học), theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên, hay theo trường/ngành đào tạo nào đó. Như vậy, giải pháp này không chỉ giúp giải quyết rốt ráo những bất cập của việc thi cử, mà còn đáp ứng được một yêu cầu xã hội cơ bản: nhà trường phổ thông là nơi cung cấp mọi hành trang cơ bản để học sinh vào đời, mang lại cho họ nhiều cơ hội định hướng nghề nghiệp nhất có thể.

Một cách ngắn gọn, giải pháp thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản và hệ thống tuyển sinh “một chung” sẽ cho phép giải quyết ổn thoả những bất cập trước mắt của ngành giáo dục, để có thể chuẩn bị những điều kiện thuận lợi hơn cho các chiến lược đổi mới lâu dài. Muốn điều chỉnh phương pháp dạy-học trong trường phổ thông, khi chưa làm được ngay việc tái cấu trúc hệ thống đào tạo giáo viên thì chỉ cần thay đổi cách ra đề và xây dựng đáp án thi tốt nghiệp. Khi chưa tạo dựng được hệ thống kiểm tra đánh giá độc lập hoàn chỉnh và đồng bộ trong cả nước, chỉ cần điều tiết qua độ khó của đề thi và kiểm soát kỉ cương kì thi tốt nghiệp. Khi chưa làm được việc dài hạn là xây dựng chương trình giáo dục hay khung chuẩn mực kiến thức, kĩ năng ở tầm quốc gia, thì mọi sự thay đổi trung hạn về cơ cấu môn học hay sách giáo khoa cũng không gặp phải sự xáo trộn nào lớn vì đã áp dụng nguyên tắc “học gì thi nấy” ngay từ năm học tới… Mọi nguồn lực của ngành giáo dục, thay vì chia tản mác ra cho những việc sự vụ vụn vặt, chỉ còn cần tập trung vào những điểm trọng tâm: tăng cường cơ chế chính sách bảo trợ cho các vùng khó khăn để giúp học sinh đạt được mức “chuẩn” quốc gia, thay vì hạ “chuẩn” quốc gia xuống cho “vừa sức” với những vùng khó khăn rồi bế tắc trong các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo sau trung học./.

===

Ghi chú:

Bài này đã được biên tập và đăng thành hai kì trên Tuần Việt Nam: Đổi mới thi cử: Giải pháp 'đường dài' (ngày 22/02/2014) và Không phải ba chung mà là... 'một chung' (ngày 23/02/2014).


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm