KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Có nên bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

Năm 2013, GS Ngô Bảo Châu đã từng cho rằng nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT [1] và mới đây lại khẳng định một lần nữa quan điểm ấy [2]. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ, với luận điểm chủ đạo là kì thi tốt nghiệp THPT nhiều tiêu cực, thiếu độ tin cậy, tính chọn lọc không cao, cho nên cần bỏ để ưu tiên kì thi tuyển sinh đại học. Thoạt nhìn, quan điểm này có vẻ có lí và dễ áp dụng; tuy nhiên, phân tích kĩ thì đó là một cách diễn giải sai bản chất vấn đề. Ở đây, tôi chỉ xin nói về vai trò tự thân của chuyện thi cử trong giáo dục phổ thông; còn mối liên hệ đối với việc tuyển sinh đại học sẽ bàn đến trong một dịp khác.

Trước tiên là trong giáo dục phổ thông, cần thiết phải xác nhận trình độ của học sinh sau một giai đoạn hay cấp học. Thông thường ở cuối mỗi cấp trung học, quốc gia nào trên thế giới cũng đều cấp một văn bằng xác nhận học sinh đã kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc (trung học cơ sở) hay chương trình giáo dục phổ thông (trung học phổ thông). Tuỳ điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, lịch sử,... của mỗi nước mà văn bằng này được cấp dựa trên kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh tại cơ sở giáo dục (đánh giá thường kì) hay kết hợp với một đợt thi cuối kì hoặc kiểm tra đánh giá ngoài.

Tiếp theo là câu hỏi có cần thi tốt nghiệp để xác nhận trình độ học sinh cuối cấp hay không? Theo một khảo cứu của UNESCO [3], các nước Bắc Âu có xu hướng giảm số kì thi cuối cấp và tăng cường kiểm soát đánh giá thường kì; còn nhiều nước khác như Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand,... lại tăng cường kiểm tra chính thức ở các giai đoạn học tập khác nhau thông qua các bài thi chuẩn hoá (standardized tests). Nước Mỹ vốn trước đây không tổ chức thi tốt nghiệp trung học cũng đã có phân nửa số tiểu bang chuyển sang tổ chức kì thi cuối cấp này. Trong khi đó, nước Pháp lại duy trì truyền thống lâu đời tổ chức kì thi tú tài với trên 10 môn bắt buộc và một số môn tự chọn, rải ra trong hai năm học cuối cấp. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đều có một kì thi xác nhận trình độ sau khi học sinh hoàn tất chương trình THPT, chỉ khác ở chỗ kì thi này được tổ chức ở quy mô quốc gia hay ở các cấp độ thấp hơn, với sự tham gia ít hay nhiều của nhân tố đánh giá ngoài.

Đến đây, vấn đề đặt ra là làm sao để kì thi xác nhận trình độ THPT đảm bảo chuẩn mực quốc gia nếu không được tổ chức ở quy mô quốc gia? Các nước phát triển có một điểm chung là hầu hết đều có chuẩn kiến thức kĩ năng hoặc chương trình giáo dục quốc gia, có vai trò định hướng và là chuẩn mực tham chiếu cho mọi hoạt động giáo dục (xác định nội dung; lựa chọn phương pháp; tổ chức quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử, cấp phát văn bằng, v.v.) Nước nào có nền tảng văn hoá và trình độ tổ chức xã hội càng cao, thái độ trách nhiệm của từng thành tố tham gia hệ thống giáo dục càng lớn, hệ thống pháp luật và công cụ quản lí càng chặt chẽ và hiệu quả, thì mối lo “bớt thi” (chứ không phải “bỏ thi”) càng giảm, bởi kết quả đánh giá thường kì càng đáng tin cậy. Nhưng không vì thế mà người ta đánh giá thấp vai trò của kì thi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, mà thường chỉ bổ sung sau khi xây dựng được một hệ thống đánh giá ngoài hay các bài thi chuẩn hoá hoàn chỉnh.

Vậy thì, liệu tăng cường đánh giá thường kì có giúp thay thế được kì thi xác nhận trình độ cuối cấp THPT hay không? Một khảo cứu khác của Ngân hàng Thế giới tại các nước Đông Á cho thấy là chỉ tăng cường quyền tự chủ của giáo viên trong đánh giá thường kì tại cơ sở giáo dục thôi thì chưa đủ, bởi nếu không có các cơ chế khuyến khích kèm theo, họ vẫn có xu hướng không thay đổi phương pháp dạy học của mình, và kết quả học tập của học sinh vẫn không tiến triển rõ nét hơn [4]. Kết luận trên cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu tại 31 nước trong chương trình PISA 2000 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho thấy sự tác động tích cực của kì thi tốt nghiệp quốc gia đối với năng lực của học sinh, vì cả mục tiêu và các chuẩn mực giáo dục đều được ý thức rõ ràng hơn. Trong khi nếu không có kì thi tốt nghiệp quốc gia, ngay cả ở các trường có áp dụng hệ thống đánh giá chuẩn hoá định kì trong tiến trình dạy học thì kết quả cũng khá hạn chế [5].

Cụ thể hơn, ở Phần Lan, một nước đang được khắp thế giới “ngưỡng mộ” về giáo dục phổ thông và thuộc nhóm tiên phong hạn chế số lượng kì thi chính thức, thì một mặt nhà nước đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và con người cho giáo dục để đảm bảo liên tục chất lượng dạy học ở tầm quốc gia, chú trọng “dạy để biết” chứ không phải “dạy để thi”, mặt khác vẫn còn duy trì kì thi quốc gia sau khi học sinh hoàn tất chương trình THPT. Kì thi này có tác động rõ nét đến việc thực hiện chương trình giáo dục quốc gia cũng như mức độ áp dụng các phương pháp dạy học tích cực đối với học sinh. Và đó cũng là cơ sở để tuyển chọn sinh viên vào các trường đại học Phần Lan [6].

Quay về câu chuyện của Việt Nam, liệu chúng ta đã có các điều kiện phù hợp để huỷ bỏ kì thi tốt nghiệp THPT và tăng cường kiểm soát đánh giá thường kì ở cơ sở giáo dục? Thực tế mà nói, hầu hết những yếu tố cần thiết nhất để làm được điều này nước ta đều chưa đáp ứng được, kể cả ở thời điểm hiện tại lẫn trong vài năm tới. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2014 Bộ GD&ĐT đã kiên quyết sử dụng điểm trung bình năm học lớp 12 làm 50 % điều kiện tốt nghiệp, thì cả ba phương án thay đổi đưa ra cho năm 2015 và sau đó đều không duy trì ý định này.

Vì vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, kì thi tốt nghiệp THPT nhất thiết không nên bỏ, nhưng cần sửa. Còn sửa thế nào, cả kì thi 2014 vừa qua lẫn ba phương án mới do Bộ GD&ĐT đưa ra đều thiếu tính thuyết phục và không đồng bộ cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, tôi đã từng phản biện [7,8] và sẽ tiếp tục quay trở lại trong những bài viết khác./.

[Bài đăng trên Tiền Phong, ngày 11/08/2014, <http://www.tienphong.vn/giao-duc/co-nen-bo-ky-thi-tot-nghiep-thpt-746048.tpo> với vài chỗ biên tập lại]

Tài liệu tham khảo

[1] Ngô Bảo Châu. Giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông? Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Ngày 01/09/2013. Số 33-2013 (1554): tr. 36.

[2] Nguyễn Loan. GS Ngô Bảo Châu: 'Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải đại học'. VNExpress, ngày 03/08/2014, <http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-ngo-bao-chau-nen-bo-ky-thi-tot-nghiep-chu-khong-phai-dai-hoc-3025197.html>

[3] Briseid O, Caillods F. Trends in secondary education in industrialized countries: Are they relevant for African countries? Paris: UNESCO/IIEP; 2004.

[4] Nabeshima K. Raising the Quality of Secondary Education in East Asia. World Bank Publications; 2003.

[5] Di Gropello E. Meeting the challenges of secondary education in Latin America and East Asia: Improving efficiency and resource mobilization. Washington, DC: World Bank; 2006.

[6] Sahlberg P. Secondary education in OECD countries: Common challenges, differing solutions. Torino, Italy: European Training Foundation; 2007.

[7] Nguyễn Tấn Đại. Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học: Cần một giải pháp khác (2). Tia Sáng, ngày 07/02/2014, <http://tiasang.com.vn/-giao-duc/mot-giai-phap-khac-cho-ki-thi-tot-nghiep-thpt-va-tuyen-sinh-dai-hoc-ky-2-7205>.

[8] Nguyễn Tấn Đại. Không phải ba chung mà là... 'một chung'. Tuần Việt Nam, ngày 23/02/2014, <http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/162498/khong-phai-ba-chung-ma-la-----mot-chung-.html>.

Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm