KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học: Cần một giải pháp khác

Theo dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm trước mắt” ngày 02/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hai nội dung lớn là việc miễn thi tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh, và việc tổ chức 4-5 môn thi tốt nghiệp với 2 môn tự chọn.

Nếu thích trò chơi của những con số, hẳn nhiều người sẽ hài lòng với kết quả khảo sát rằng có hơn 80 % số người được hỏi đồng ý với hướng “đổi mới” này. Tuy nhiên, bỏ qua bước phân tích độ xác tín về khoa học và giáo dục của kiểu khảo sát đó, chúng ta có thể đi thẳng vào trọng tâm vấn đề: những hệ luỵ nào có thể xảy ra khi áp dụng hai nội dung trên vào thực tế? Và liệu có giải pháp nào khác phù hợp hơn cả với thực tế hiện tại và xu thế phát triển trong tương lai hay không?

Về việc miễn thi tốt nghiệp THPT

Ngoài những quy định có lẽ giống như trước đây dành cho đối tượng đạt giải các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, điểm “đổi mới” quan trọng nhất của dự thảo là quy định miễn thi tốt nghiệp THPT cho tối đa 20 % học sinh ở mỗi Sở GD&ĐT, dựa trên kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT. Tỉ lệ này dự kiến được áp dụng cho năm đầu tiên thi theo phương án mới, và mỗi Sở GD&ĐT được giao quyền xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình.

Mặc dù bản dự thảo có dự liệu các điều kiện tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, với sự tham gia của nhiều thành phần ban bệ,... ý tưởng miễn thi này vẫn tỏ ra thiếu tính thuyết phục.

Thứ nhất, tỉ lệ miễn thi “tối đa là 20 %” không rõ từ đâu mà có. Chúng ta chỉ có vài lời giải thích sơ sài của một vị có trách nhiệm, nhưng thiếu hẳn những dữ liệu khoa học chứng minh tính đúng đắn và hợp lí về mặt giáo dục của con số kia.

Thứ hai, khi nói “tối đa là 20 %” và giao quyền quyết định về cho mỗi Sở GD&ĐT, có nghĩa là sẽ có thể có nhiều tỉ lệ miễn thi khác nhau, tuỳ mỗi tỉnh thành, vùng miền, miễn là không lớn hơn 20 %. Vấn đề là, chất lượng giáo dục phổ thông ở mỗi tỉnh thành không hề đồng đều nhau, thậm chí có thể có sự cách biệt khá lớn. Và ngay cả trong cùng một tỉnh thành, chất lượng giữa quận huyện này với quận huyện khác, hay giữa trường này với trường khác trong cùng quận huyện, vẫn luôn có sự khác biệt. Thực tế cho thấy dù cùng thuộc sự quản lí của một Sở GD&ĐT, cùng mẫu học bạ và sổ điểm, nhưng hiện nay một trường phổ thông dân lập không thể có chất lượng giống như một trường công lập, và một trường công lập bình thường không thể so sánh được với một trường chuyên hay phổ thông năng khiếu. Mỗi Sở GD&ĐT sẽ chia đều hay phân phối theo tỉ lệ cho các trường? Chia đều thì có công bằng chưa? Phân phối thì dựa vào tỉ lệ nào và tỉ lệ ấy có cơ sở xác tín hay không? Những câu hỏi ấy không dễ tìm được câu trả lời thoả đáng, nhưng đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những lời bàn ra tán vào, những sự so sánh thiệt hơn, và không loại trừ cả những câu chuyện chạy chọt để có phần trong “miếng bánh 20 %”.

Thứ ba, nhìn ở cấp độ quốc gia, sẽ nảy sinh tiếp câu hỏi về tính công bằng trong giáo dục: vì sao tỉnh này miễn nhiều, thành phố kia miễn ít (hoặc ngược lại), nơi này xét dễ, nơi kia xét gắt?... 20 % học sinh giỏi của một tỉnh miền núi như Hoà Bình không giống với 20 % học sinh giỏi của thủ đô Hà Nội. Những em thứ 21 % của những nơi của truyền thống hiếu học hay có mức độ cạnh tranh học tập cao sẽ nói gì khi phải “bị thi” trong khi những bạn có thực lực kém hơn mình lại được miễn thi vì nằm trong tốp 10 hay 20 % của một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó? Bằng tốt nghiệp THPT là văn bằng đầu tiên công nhận trình độ học vấn ở cấp độ quốc gia của mỗi công dân, là điều kiện tối thiểu để bước vào cuộc đời nghề nghiệp hoặc tiếp bước ở các bậc học cao hơn. Mặt bằng chất lượng kì thi này càng ngày càng thấp, đó là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng buông cho mỗi địa phương tự quyết định điều kiện và tỉ lệ miễn thi như trong dự thảo cũng đồng nghĩa với việc tạo ra sự mất công bằng giữa các địa phương cũng như giữa các cơ sở giáo dục trong cùng một địa phương. Và điều đó cũng sẽ là một nguy cơ lớn làm phá hỏng mọi cơ may đổi mới thực sự để đưa kì thi tốt nghiệp THPT về đúng với vị trí vốn có của nó.

Về việc tổ chức 2 môn thi tự chọn

Trong cả hai phương án tổ chức môn thi tốt nghiệp THPT nêu ra trong dự thảo, có 2 môn thi chắc chắn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn thi do học sinh tự chọn từ danh sách chắc chắn gồm 5 môn là Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử. Riêng môn Ngoại ngữ, trong phương án 2 là bắt buộc, còn phương án 1 là tự do, chỉ dùng để cộng điểm khuyến khích. Tất nhiên, với triển vọng bớt được 1 hoặc 2 môn thi tốt nghiệp so với cách thi 6 môn bắt buộc từ nhiều năm nay, không có gì ngạc nhiên khi đa số học sinh hồ hởi, phần lớn phụ huynh phấn khởi, một bộ phận xã hội với sự tiếp sức của giới truyền thông nhiệt tình ủng hộ. Nhưng sau khi mọi sự hưng phấn nhất thời qua đi, suy nghĩ thật kĩ về vấn đề này sẽ thấy có nhiều điểm cần cân nhắc thận trọng.

Trước tiên, bản dự thảo này cho ta cảm giác là giảm số môn thi, nhưng thực chất là số môn thi sẽ tăng lên. Vì sao? Khi cho học sinh tự chọn 2 môn thi, số môn thi chỉ giảm đối với từng học sinh, nhưng theo nguyên tắc phân phối ngẫu nhiên thì tổng số môn có khả năng được học sinh chọn thi sẽ tăng lên, tức là sẽ có tất cả 8 môn thi: 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), 5 môn tuỳ chọn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử), 1 môn tự do hoặc bắt buộc (Ngoại ngữ). Chỉ có một trường hợp duy nhất để có ít hơn 8 môn thi, đó là khi tất cả các Sở GD&ĐT cùng thoả thuận với nhau theo một cách nào đó để hướng toàn bộ học sinh của địa phương mình lựa chọn các môn thi giống nhau. Nhưng khi đó, bản chất ý định cho học sinh tự chọn môn thi sẽ phá sản.

Thứ hai, về nguyên tắc tổ chức thi cử, khi đã có học sinh chọn thi thì dù ít hay nhiều vẫn phải có đề thi và ngày thi riêng. Như vậy từ 3 ngày như hiện nay (6 buổi cho 6 môn thi), tổng thời gian tổ chức thi sẽ phải kéo dài lên ít nhất 4 ngày (8 buổi cho 8 môn thi). Các hội đồng thi sẽ phải làm việc cật lực hơn, với hiệu suất chắc chắn thấp hơn. Đơn giản là vì khi thi tất cả các môn bắt buộc, việc bố trí phòng thi và giám thị sẽ tương đối thuận tiện và dễ có được phương án tối ưu về con người và cơ sở vật chất. Khi có các môn thi tuỳ chọn và tự do, sẽ có môn được chọn nhiều, tức cần nhiều phòng thi hơn thông thường, và có môn được chọn ít nhưng vẫn cần phải có phòng thi riêng. Như thế, mỗi hội đồng thi sẽ cần có thêm một số lượng đáng kể phòng thi và giám thị. Diễn biến thực tế kì thi tốt nghiệp THPT từ nhiều năm nay cho thấy nếu tổ chức thi theo cách nói trên sẽ còn làm nảy sinh nhiều điều phức tạp khó lường trước hết được.

Thứ ba, có ý kiến nói rằng cho học sinh tự chọn môn thi là tốt để các em tự lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho mình. Đó là quan niệm chưa chính xác, nếu không muốn nói là sai. Công tác định hướng nghề nghiệp hay phân luồng học sinh nếu muốn làm phải làm ngay từ đầu vào, và cần phải có một hệ thống đồng bộ từ mục đích giáo dục, chương trình và nội dung dạy-học, phương pháp và công cụ dạy-học cũng như phương thức kiểm tra đánh giá và thi cử trong toàn bộ cấp học (ít nhất 3 năm THPT). Riêng một kì thi tốt nghiệp và một động tác lựa chọn 2 trong 5 môn thi không thể nào đảm bảo được mục đích hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Điểm cần lưu ý thứ tư, đó là công thức tính điểm xét tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp THPT, với tỉ lệ 50 % cho tổng điểm các bài thi tốt nghiệp, và 50 % cho điểm trung bình cả năm học lớp 12 (ở đây tạm bỏ qua phần điểm khuyến khích). Cách tính này có ba nhược điểm cơ bản: vừa không đảm bảo tính công bằng về chất lượng giáo dục ở cấp độ quốc gia, vừa giảm nhẹ vai trò đánh giá của một kì thi bị làm phức tạp lên (như đã nói ở trên), vừa tạo thêm cơ hội cho “căn bệnh nan y” dạy thêm-học thêm hoành hành. Thực tế là từ nhiều năm nay, mặc cho bao nhiêu văn bản hành chính được ban ra, tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan vẫn mãi không giải quyết được tận gốc. Đối với việc thầy cô dạy thêm, trò đi học thêm, tự thân hành động ấy không có lỗi. Lỗi nằm ở chỗ hành động ấy bị lạm dụng vô lối, biến từ nhu cầu học hỏi và tinh thần cầu tiến của người học thành phương tiện cải thiện thu nhập của người dạy. Trong thực tế trường lớp, có không ít thầy cô giáo dạy hay, được học trò yêu mến, mong muốn, mời mọc thậm chí cả năn nỉ dạy thêm để các em có cơ hội rèn luyện thêm để học tốt hơn hoặc chuẩn bị đi thi đại học. Nhưng bên cạnh đó, ở những nơi mà dạy thêm-học thêm trở thành vấn nạn hay nỗi bức xúc của cộng đồng, rất dễ dàng thấy có nhiều thầy cô giáo đã lạm dụng quyền đánh giá, cho điểm học sinh để ép các em đi học thêm môn của mình, mà không có bất cứ công cụ kiểm soát hữu hiệu nào để giới hạn tình trạng lạm quyền này, từ gia đình học sinh cho đến đồng nghiệp, từ tổ chuyên môn cho đến ban giám hiệu rồi thanh tra giáo dục các cấp... Đó là chỉ mới nói đến điểm số của từng bài kiểm tra qua từng học kì. Nếu quyền “sinh sát” ấy còn góp phần vào đến 50 % cơ may tốt nghiệp của học sinh, tình trạng lạm quyền vô kiểm soát ấy sẽ còn đi đến đâu? Rồi nhân lên với sự dị biệt vùng miền giữa các tỉnh thành trong cả nước, cả về mức độ phát triển kinh tế xã hội, trình độ nhận thức chung của cộng đồng và mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông của từng địa phương trong cả nước, ta sẽ thấy rằng cái hố sâu mất công bằng sẽ ngày càng được đào sâu và nới rộng.

Thứ năm, giải pháp thi 2 môn tự chọn không cho thấy sự đồng bộ trong xu hướng cải cách thi cử, cụ thể là hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đầy căng thẳng và tốn kém liền kề nhau trong vòng hai tháng. Bằng chứng là dù các trường đại học đã được “bật đèn xanh” trong việc tự chủ phương án tuyển sinh, nhưng hầu hết đều rất dè dặt và thận trọng, đặc biệt là trong việc xét tuyển hàng loạt dựa trên học bạ. Nguyên nhân chính, một mặt có thể nói là vì thiếu chuẩn mực quốc gia về mục tiêu giáo dục cũng như về kiến thức, kĩ năng của học sinh, mặt khác là do sự cách biệt nhiều khi quá lớn giữa các địa phương trong việc quản lí chất lượng giáo dục phổ thông. Hơn thế nữa, học bạ là do trực tiếp từng giáo viên bộ môn ghi điểm, giáo viên chủ nhiệm nhận xét, hiệu trưởng các trường THPT kí tên đóng dấu xác nhận. Bất cứ ai đã từng đứng lớp ở trường phổ thông đều biết rằng sửa học bạ của học sinh là việc khá dễ dàng và đây đó vẫn có những trường hợp học sinh được làm lại học bạ cho “đẹp” hơn với những lí do không nói ai cũng biết. Nay, nếu thi tự chọn 2 môn và dùng điểm trung bình năm học lớp 12 để xét tốt nghiệp, nhu cầu sửa học bạ tăng lên là điều tất yếu, và đây sẽ lại là một cái “ổ” lí tưởng cho tình trạng nhũng nhiễu nhân lên tràn lan ở khắp hơn 2.700 trường THPT trong cả nước. Điều đó sẽ càng làm cho kì thi tốt nghiệp THPT đánh mất vai trò kiểm soát mức sàn chất lượng đầu ra của giáo dục phổ thông, và càng là lí do để phải duy trì kì thi tuyển sinh đại học hàng năm. Không chỉ vậy, thi tốt nghiệp tự chọn 2 môn còn có nguy cơ “làm khó” học sinh và các trường đại học có chủ trương tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp: mỗi ngành đào tạo có thể phải tuyển theo kết quả của những môn thi khác nhau, học sinh đã chọn thi môn này sẽ không còn cơ hội thi lại môn khác nếu muốn thay đổi nguyện vọng về ngành học. Kết quả sẽ là, một kì thi vốn đã yếu thì ngày càng yếu, và một kì thi cần thay đổi lại càng có nhiều lí do để tiếp tục tồn tại.

Và cuối cùng, mọi sự thay đổi phương thức thi cử cuối khoá phải được áp dụng theo hình thức “cuốn chiếu”, ứng với tinh thần chung (quy định chính thức hay “thoả thuận ngầm”) ở đầu vào. Học sinh lớp 12 năm nay đã vào cấp III từ ba năm trước, cũng như bắt đầu năm học này với tinh thần thi tốt nghiệp 6 môn. Áp dụng một sự thay đổi lớn một cách đột ngột “giữa dòng”, không có kế hoạch không phải là cách tốt trong giáo dục. Xét ở góc độ nào đó, thay đổi như vậy là không công bằng với chính các em học sinh lớp 12 năm nay, và không công bằng giữa niên khoá này với các niên khoá khác, trước đây hay cả về sau. Cho dù áp lực của xã hội về chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT nói riêng và chất lượng giáo dục phổ thông nói chung là rất lớn, mọi sự thay đổi phải được tiến hành một cách cẩn trọng, có cơ sở khoa học chặt chẽ, có lộ trình chuyển tiếp hợp lí, vì liên quan đến từng cá nhân học sinh, “nguyên liệu” cho toàn bộ nền giáo dục đại học và thị trường lao động trong tương lai, đến và từng gia đình, “tế bào” cơ bản cấu thành nên toàn bộ xã hội.

Một giải pháp khác cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học

Ngoài những điểm bất ổn về nguyên tắc khoa học và giáo dục như đã bàn ở trên, bản dự thảo vẫn có một vài điểm tích cực, trong đó đáng kể nhất là tinh thần quyết tâm thay đổi và chấp nhận “mạo hiểm”. Nếu chấp nhận tinh thần đó, nhất là qua một vài điểm đáng chú ý như tổ chức thi tốt nghiệp nhiều môn trong nhiều ngày, chú trọng sử dụng kết quả học tập hàng năm của học sinh, giao quyền tự chủ và khoán trách nhiệm cho các Sở GD&ĐT,... thì hoàn toàn có thể nghĩ đến một giải pháp khác, có lộ trình và phương thức tổ chức hợp lí hơn, kết hợp đồng bộ hơn giữa quá trình dạy-học và kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông với công tác tuyển sinh đại học, tạo một bước chuyển tiếp cần thiết cho việc thực hiện đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nguyên tắc đầu tiên và thiết yếu của giải pháp này, đó tổ chức thi tốt nghiệp THPT với tất cả 8 môn văn hoá cơ bản: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Ngoại ngữ. Áp dụng nguyên tắc này sẽ có hai tác dụng lớn: 1. đưa tiến trình dạy-học và kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông về lại quy trình bình thường vốn có và cần thiết trong giáo dục, phân biệt rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm ở cả ba cấp độ cơ sở, địa phương và quốc gia; 2. tạo tiền đề cho những chủ trương tự chủ tuyển sinh đại học bao gồm cả các phương án xét tuyển thông qua kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc tổ chức thi riêng theo trường hay nhóm trường.

Ở điểm thứ nhất, nền giáo dục phổ thông nước ta hiện nay là kết quả lai tạp của nhiều mô hình và hệ thống tổ chức giáo dục khác nhau trong lịch sử. Ở mỗi một giai đoạn, mỗi cuộc “cải cách” thường được thực hiện theo một chủ đích hay tầm nhìn ngắn hạn mà thiếu hẳn một tư duy xuyên suốt lâu dài, gắn kết với lịch sử hình thành trong quá khứ, thực tiễn các dòng chảy giáo dục hiện tại trên thế giới và xu hướng phát triển trong tương lai. Đã từng có nhiều ý kiến, kể cả của những người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, rằng kì thi tốt nghiệp THPT không đảm bảo chất lượng nên tốt nhất là bỏ đi. Nhưng nếu tham khảo kĩ lưỡng các mô hình giáo dục phổ thông phổ biến trên thế giới, ta sẽ thấy đa số các nước có nền giáo dục phát triển vẫn có kì thi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, theo cách này hay cách khác. Các nước này đều có chương trình giáo dục quốc gia, trong đó nêu rõ các tiêu chuẩn kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần đạt được qua từng lớp, từng cấp học cho đến hết bậc giáo dục phổ thông. Đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xác định nội dung giáo dục, lựa chọn phương pháp giáo dục, tổ chức quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử, cấp phát văn bằng,... dù cơ chế phân cấp quản lí và quyền tự chủ trong lĩnh vực giáo dục có nhiều điểm khác biệt. Trên cơ sở đó, có hai xu hướng thi cử, kiểm tra đánh giá chủ đạo là giảm số kì thi chính thức đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động đánh giá liên tục trong suốt quá trình học tập (như các nước Bắc Âu), và tăng cường kiểm tra chính thức ở các giai đoạn học tập khác nhau (mỗi 1-3 năm) thông qua các bài thi chuẩn hoá (standardized tests) như các nước khối Anh-Mĩ. Riêng nước Pháp lại duy trì cả hai kì thi cuối cấp trung học cơ sở (thi một số môn chính) và trung học phổ thông (thi trên 10 môn bắt buộc cùng với một số môn tự chọn trong hai năm học). Nhưng không có nước nào bỏ hay giảm nhẹ vai trò kì thi tốt nghiệp THPT khi không có chương trình giáo dục quốc gia và khi chưa xây dựng được một hệ thống đánh giá liên tục chặt chẽ, hoặc đánh giá độc lập thông qua các bài thi chuẩn hoá.

Việt Nam chưa có chương trình giáo dục quốc gia, chưa có hệ thống đánh giá độc lập, cơ cấu tổ chức hành chính chưa phù hợp với mô hình phân cấp toàn quyền tự chủ về giáo dục phổ thông cho các địa phương, cơ chế và công cụ thanh tra giám sát quá trình dạy-học vừa thiếu vừa yếu vừa kém hiệu quả... Do đó việc duy trì kì thi tốt nghiệp THPT là thiết yếu, nhưng phải thay đổi cách làm để kì thi này không còn là “trò chơi may rủi”, để thực sự trở thành cột mốc quan trọng thiết lập trở lại mặt bằng tối thiểu về chất lượng giáo dục phổ thông ở cấp độ quốc gia. Thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản rất gần với mô hình “học gì thi nấy” của Pháp, vốn là nguồn gốc hình thành hệ thống giáo dục nước ta hiện nay. Trở ngại đầu tiên có thể gặp phải, đó là việc tăng thêm 1 ngày thi so với hiện nay. Nhưng so với việc tổ chức 4 ngày thi với 5-6 môn tự chọn (như đã nói ở trên) thì hiệu suất tổ chức sẽ tăng cao hơn khi tất cả các môn thi đều bắt buộc. Cái “nút thắt” căn bản nhất là “trò chơi rút thăm may mắn” để chọn môn thi tốt nghiệp hàng năm sẽ được tháo gỡ. Sẽ không còn cảnh thầy cô và học trò ngóng trông về Bộ mỗi độ tháng 3 để xem “vận rủi” sẽ rơi vào môn nào, để rồi “đua nước rút” kết thúc sớm chương trình những “môn không thi” và dành trọn thời gian còn lại để ôn luyện các “môn thi”. Bộ và các Sở GD&ĐT sẽ không còn phải cứ “làm bộ” kí các loại văn bản quy định cấm cắt xén, rút ngắn chương trình, mà trong thực tế nhắm mắt làm ngơ cho tất cả các trường tổ chức thi học kì II cho học sinh lớp 12 sớm hơn một tháng nhằm dồn sức chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp. Sẽ không còn cảnh phân biệt “môn chính” và “môn phụ” để đưa tất cả các môn văn hoá cơ bản về đúng vị trí của mình trong nhà trường phổ thông. Không có điều kiện này mọi nỗ lực cải cách giáo dục, đổi mới thi cử sẽ chỉ dừng lại ở hình thức mà không thể đạt kết quả như mong muốn.

Khi vai trò các môn học được đưa trở về trạng thái bình thường và ngang bằng nhau, hai điểm tồn tại lớn nhất là chất lượng coi thi và sự khách quan khi chấm thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự cải thiện theo thời gian. Tổ chức 4 ngày thi so với 3 ngày thi thực ra không phải là điều gì quá khó. Một số địa phương vốn đã có kinh nghiệm tổ chức thi học kì các môn theo đề chung của Sở GD&ĐT, với sự phân cấp trách nhiệm về chất lượng thi cử về cho từng cơ sở giáo dục. Nâng cấp những kinh nghiệm này thêm một bậc, với đề thi chung của Bộ GD&ĐT, thiết nghĩ là một bước chuyển hợp lí và hoàn toàn khả thi. Độ khó của đề thi là việc hoàn toàn kiểm soát được, để cân đối lợi ích của những vùng miền khó khăn, nơi cần một mức chuẩn mực tối thiểu để học sinh có thể bước vào cuộc đời nghề nghiệp hoặc đi học tiếp, và những địa phương có trình độ phát triển cao hơn, nơi cần sự “phân tầng” trên mức sàn tối thiểu, để có thể lựa chọn cho mình những nhóm người học hay người lao động có chất lượng cao hơn, phù hợp với nhu cầu và năng lực đào tạo-sử dụng của mình. Sự khách quan trong quá trình chấm thi cũng là việc không khó để giải quyết, nhất là khi có được quyết tâm chính trị cao độ của các vị lãnh đạo ngành và địa phương, với sự đồng thuận của công luận.

Kì thi tốt nghiệp THPT như thế tưởng là khó, nhưng về bản chất lâu dài lại hoá thành một hoạt động bình thường trong tiến trình giáo dục; với học sinh ban đầu tất nhiên sẽ thấy nhiều áp lực, nhưng thi tất cả các môn có lợi ích là điều hoà trở lại toàn bộ hoạt động học tập ngay từ những năm đầu cấp III, không học lệch, không chạy đua thành tích, dần đưa kết quả thi cử trở lại tương xứng với năng lực học tập. Khi kì thi tốt nghiệp THPT đảm bảo được chất lượng và độ tin cậy, một cách bình thường, không chịu quá nhiều áp lực căng thẳng, thiết lập được một mặt bằng tối thiểu và những nhóm “phân tầng” khác nhau, việc bãi bỏ kì thi tuyển sinh đại học để sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn là một bước đi tất yếu, thuận lợi, phù hợp không chỉ với xu thế phân cấp quyền tự chủ tuyển sinh mà cả về mục tiêu phân tầng đại học. Trường nhỏ hay chất lượng trung bình sẽ ưu tiên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình kết hợp đánh giá qua học bạ (theo các môn học tương ứng với ngành đào tạo cần tuyển); trường vừa hay chất lượng khá có thể yêu cầu xét tuyển với mức điểm thi tốt nghiệp cao hơn; trường lớn hay chất lượng cao có thể tổ chức thi riêng đối với các thí sinh đã đậu kì thi tốt nghiệp THPT. Vai trò chính của Bộ GD&ĐT khi đó không còn là những việc sự vụ trong tổ chức thi tuyển sinh với “nhiều chung” phức tạp, mà là cầm trịch đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, điều tiết tổng thể quá trình chuyển tiếp giáo dục từ trung học lên đại học.

Trong quá trình chuyển tiếp đó, có một quy trình “một chung” mà chỉ duy nhất Bộ GD&ĐT mới có thể đảm trách: xây dựng hệ thống hồ sơ tuyển sinh đại học chung trong toàn quốc. Thực vậy, không thể phủ nhận những ưu điểm của mô hình “ba chung” áp dụng như nhiều năm nay, khi mà chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT còn nhiều vấn đề, và khi quay trở lại tự tổ chức thi riêng theo từng trường như hai mươi năm trước cũng không phải giải pháp phù hợp. Nhưng điểm trở ngại lớn nhất của mô hình này chính là số lượng hồ sơ “ảo” quá cao, không thể kiểm soát được. Nguyên nhân chính là mỗi trường tự quản lí hồ sơ thí sinh một cách riêng rẽ, do đó dù Bộ GD&ĐT có phối hợp trao đổi dữ liệu thường xuyên với các trường thì cũng không có cách nào xác định được có chính xác bao nhiêu thí sinh thực sự, mỗi thí sinh nộp bao nhiêu hồ sơ, đăng kí những nguyện vọng nào, đi thi ở đâu, kết quả ra sao... Tham khảo mô hình tuyển sinh của nước Pháp, ta sẽ thấy một hướng đi khắc phục được những nhược điểm của “ba chung” bấy lâu nay, kết hợp hài hoà với lộ trình đổi mới giáo dục, cải cách thi cử mà chúng ta đang muốn đi theo. Một cách ngắn gọn, mô hình tuyển sinh “một chung” ở Pháp được tổ chức như sau:

1. Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu xây dựng một hệ thống đăng kí hồ sơ tuyển sinh trực tuyến thống nhất trong toàn quốc. Tất cả các trường đào tạo sau trung học cung cấp thông tin tuyển sinh của mình bên trong hệ thống này.

2. Mỗi thí sinh tạo một tài khoản cá nhân duy nhất trên hệ thống; sau đó tự tìm hiểu và đăng kí dự thi vào các trường và ngành khác nhau, từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, hoàn toàn qua Internet. Lãnh đạo và giáo viên các trường THPT có thể kết nối vào hệ thống để theo dõi và hỗ trợ học sinh trong suốt tiến trình đăng kí hồ sơ tuyển sinh.

3. Các trường tuyển sinh sử dụng dữ liệu đăng kí dự thi từ hệ thống để chuẩn bị công tác tổ chức xét tuyển. Nếu trường có yêu cầu hồ sơ giấy, thí sinh sẽ in hồ sơ từ hệ thống và gửi kèm các giấy tờ chứng thực qua bưu điện. (Ở điểm này, quy trình nhập liệu ngược hẳn với cách làm ở Việt Nam vốn tốn kém nhiều công sức, tiền của, hiệu quả khai thác thấp mà tỉ lệ sai sót rất lớn.)

4. Mỗi thí sinh có quyền đăng kí đến 36 hồ sơ dự thi, với tối đa 12 hồ sơ cho mỗi bậc đào tạo sau trung học (dự bị đại học, trung cấp kĩ thuật, cao đẳng cộng nghệ, cử nhân...), tự xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng của mình và có quyền thay đổi cho đến trước khi diễn ra kì thi tú tài vào đầu tháng 6. Trong thực tế, trung bình mỗi học sinh chỉ đăng kí 10 nguyện vọng.

5. Sau khi có kết quả thi tú tài, điểm được nhập vào hệ thống làm điều kiện ràng buộc (có khoảng 15 % thí sinh bị loại ở giai đoạn này), và các trường chuyển sang giai đoạn phê duyệt hồ sơ, gồm ba vòng, mỗi vòng kéo dài một tuần và giãn cách nhau một tuần. Hệ thống có những thuật toán đặc biệt để xếp hạng thứ tự ưu tiên dựa trên khả năng tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo, danh sách hồ sơ thí sinh được hội đồng tuyển sinh mỗi trường quyết định phê duyệt ở mỗi vòng và danh sách các nguyện vọng của thí sinh.

6. Ở vòng 1, hội đồng tuyển sinh của các trường phê duyệt hồ sơ đăng kí dựa trên các tiêu chí học thuật mà không biết rõ thứ tự nguyện vọng ưu tiên của thí sinh. Sau khi các trường phê duyệt, thí sinh nhận thông báo qua điện thư và có một tuần để trả lời (chấp nhận hoặc không), cũng qua Internet. Thí sinh nào không đạt nguyện vọng ở vòng 1 sẽ chờ thêm một tuần để hội đồng xét tuyển của các trường duyệt hồ sơ vòng 2 dựa trên số hồ sơ đăng kí còn lại. Sau đó họ lại có một tuần để quyết định chấp nhận hay không. Số không đạt nguyện vọng ở vòng 2 lại chờ thêm một tuần để có kết quả xét duyệt vòng 3. Tất cả những trường hợp còn lại, không đạt nguyện vọng ở vòng 3, sẽ còn một cơ hội cuối cùng là quy trình đăng kí bổ sung, vẫn qua Internet, vào những chương trình đào tạo còn khả năng tiếp nhận.

7. Sau khi thí sinh được chọn và trả lời chấp nhận theo học tại một chương trình đào tạo nào đó (qua hệ thống trực tuyến), họ chỉ còn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ chứng thực để đến làm thủ tục đăng kí nhập học theo lịch của trường trúng tuyển. Qua thực tế gần 10 năm triển khai hệ thống này tại Pháp, tỉ lệ đạt được nguyện vọng 1 của thí sinh ở ngay vòng phê duyệt đầu lên đến trên 90 %.

Xét về các điều kiện xã hội, kinh tế và kĩ thuật hiện thời, cũng như qua mọi kinh nghiệm tích luỹ được từ nhiều năm tổ chức thi “ba chung”, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi nước Pháp để xây dựng hệ thống tuyển sinh “một chung”, với một số điều chỉnh nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh giáo dục hiện thời cũng như lộ trình đổi mới vừa mở ra. Hệ thống này sẽ không chỉ giúp giải quyết câu chuyện thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh, mà còn có thể tạo ra tiền đề cho nhiều bước cải cách mới cho toàn bộ nền giáo dục nước nhà, như cấp mã số sinh viên quốc gia; chuẩn hoá đặc tả sinh viên và chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; v.v.

Như vậy, trên tổng thể, giải pháp mới cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học có thể được triển khai theo một tiến độ hợp lí hơn như sau:

- Năm học 2013-2014: không thay đổi phương thức thi (tốt nghiệp THPT 6 môn, tuyển sinh “ba chung” với một số thí điểm tự chủ tuyển sinh); chuẩn bị dự án khả thi chi tiết cho giải pháp mới.

- Năm học 2014-2015: thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản; duy trì thi tuyển sinh “ba chung”; tiếp tục thí điểm tự chủ tuyển sinh; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống tuyển sinh “một chung”.

- Năm học 2015-2016: cải thiện quy trình và chất lượng thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản; triển khai hệ thống đăng kí hồ sơ tuyển sinh “một chung” nhưng vẫn duy trì kì thi tuyển sinh (bao gồm đề thi chung theo ba đợt như hiện nay, và các hình thức thí điểm tự chủ tuyển sinh) song song với kì thi tốt nghiệp THPT.

- Năm học 2016-2017: hoàn thiện quy trình thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản (với khoá tuyển sinh lớp 10 vào năm học 2014-2015); bãi bỏ kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; hoàn thiện và áp dụng hệ thống tuyển sinh “một chung” để xét tuyển đại trà theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, cho phép các trường đặc thù tự chủ tuyển sinh để “phân tầng” đại học.

Một mặt, lộ trình này có thể giúp giải quyết được các vấn đề nổi cộm trước mắt, mặt khác vẫn đảm bảo tính đồng bộ giữa nhiều nhóm giải pháp khác nhau về trung hạn và dài hạn như xây dựng chương trình giáo dục quốc gia; đổi mới phương thức biên soạn và sử dụng sách giáo khoa; cơ cấu lại hệ thống phân ban, hướng nghiệp, dạy nghề; tăng cường liên thông giữa các cấp học và hình thức giáo dục, đào tạo; v.v. để thực sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà./.

===

Ghi chú: Bài đã được đăng trên tạp chí Tia Sáng ngày 06 và 07/02/2014 (với vài chỗ được biên tập lại): http://tiasang.com.vn/-giao-duc/can-mot-giai-phap-khac-ky-1-7202http://tiasang.com.vn/-giao-duc/mot-giai-phap-khac-cho-ki-thi-tot-nghiep-thpt-va-tuyen-sinh-dai-hoc-ky-2-7205


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm