KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Sơ lược lịch sử và xu hướng phát triển giáo dục trung học phương Tây

Giáo dục trung học châu Âu chỉ bùng nổ từ những năm 1950-1960, sau khi được khởi đầu tại Anh và Pháp, do sự kết hợp giữa ba yếu tố: kinh tế (gia tăng nhu cầu công nhân đã qua đào tạo bài bản), chính trị (chính quyền phải mở rộng giáo dục để đảm bảo công bằng xã hội), nhu cầu gia đình (người dân cần được đào tạo nhiều hơn do khác biệt về thu nhập và tỉ lệ thất nghiệp). Đến những năm 1980-1990, bối cảnh kinh tế-chính trị mới lại tạo nên một làn sóng phát triển thứ hai trong giáo dục trung học tại các nước châu Âu.

(Tóm lược tài liệu: Briseid O, Caillods F. 2004. Trends in secondary education in industrialized countries: Are they relevant for African countries? Paris: UNESCO/IIEP.)

1. Sơ lược lịch sử phát triển giáo dục phổ thông ở các nước phương Tây

1.1. Pháp

Từ cuối thế kỉ XIX, những yếu tố nền tảng của một nền “giáo dục sơ cấp” (elementary education) mang tính chất bắt buộc đối với mọi công dân đã bắt đầu được đặt ra và dần theo thời gian đã giúp định hình được bộ khung thiết yếu của nền giáo dục phổ thông hiện đại ngày nay.

Ở Pháp, trong suốt thế kỉ XIX, nền giáo dục tiểu học (primary education) miễn phí và bắt buộc đã được áp dụng rất lâu trước khi được luật hoá vào những năm 1881-1882. Trong khi đó, giáo dục trung học (secondary education) chủ yếu là dành cho tầng lớp tinh hoa, được tổ chức trong các lycée, với nhiệm vụ chính là tạo nguồn đầu vào cho các trường đại học. Kì thi tú tài (baccalauréat) đầu tiên diễn ra vào năm 1808, dưới thời Napoleon Đệ Nhất, nhằm xác nhận trình độ học sinh kết thúc chương trình giáo dục trung học, về bản chất là một kì thi đầu vào do các trường đại học tổ chức. Khoảng nửa sau thế kỉ XIX, có nhiều thay đổi quan trọng khác trong hệ thống tổ chức giáo dục tiểu học và trung học ở Pháp, mà quan trọng nhất – theo sau sự tách rời vai trò của Nhà nước và Nhà thờ – là sự hình thành nhà trường thế tục (secular school), tức không còn mang sứ mệnh truyền bá tôn giáo, sự ra đời của các trường tư thục, cũng như việc mở rộng nội dung giáo dục ra các môn khoa học bên cạnh các môn truyền thống là ngữ văn (Pháp), tiếng Latin và toán. Và từ đó cho đến đầu những năm 1960, sau nhiều lần thay đổi và diều chỉnh, về đại thể nền giáo dục phổ thông Pháp có hai hệ thống song song:

  • Hệ thống giáo dục tiểu học đại trà dành cho phần lớn học trò theo chương trình tiểu học đến 14 tuổi sau đó ra đời đi làm, và một bộ phận nhỏ trong số này có thể học tiếp ở các trường nghề hoặc trường đào tạo giáo viên tiểu học;

  • Hệ thống giáo dục trung học tinh hoa dành cho giới trung lưu và quý tộc: có các trường và chương trình giảng dạy riêng ở bậc tiểu học, với các môn học mang tính hàn lâm, chia thành hai cấp học gồm “trung học đệ nhất cấp” (lower secondary education) và “trung học đệ nhị cấp” (upper secondary education). Học sinh trung học đệ nhị cấp được định hướng để thi vào các chuyên ngành khoa học và nghệ thuật khác nhau ở bậc đại học. Chế độ miễn học phí tại các trường trung học công lập bắt đầu được áp dụng từ những năm 1930, và độ tuổi giáo dục bắt buộc được nâng từ 14 lên 16 kể từ năm 1959.

Năm 1975, mô hình hai hệ thống song song như trên bị bãi bỏ và được thay thế bằng hệ thống ba cấp học với các loại trường riêng biệt: tiểu học (école primaire), trung học cơ sở (collège) và trung học phổ thông (lycée). Cho đến lúc này, học sinh kết thúc bậc trung học cơ sở với điểm thấp sẽ được định hướng vào các trường trung học chuyên nghiệp để sau đó tham gia trực tiếp vào thị trường lao động mà không dự kì thi tú tài cũng như không được phép học tiếp sau trung học. Chỉ từ năm 1985 trở đi, sự phát triển của nền kinh tế tri thức (knowledge-based economy) mới tạo đủ áp lực trên thị trường lao động khiến chính quyền điều chỉnh hệ thống tổ chức giáo dục trung học một lần nữa, tạo sự liên thông cao độ giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học, cho phép học sinh chương trình trung học chuyên nghiệp tiếp tục theo học ở các bậc cao hơn nếu muốn.

Trong suốt quá trình phát triển, tính bình quân nền giáo dục trung học Pháp cho phép khoảng 75 % trẻ em trong cùng một độ tuổi được đến trường. Đạo luật Giáo dục năm 1989 đã tái khẳng định mục đích tạo cơ hội cho mọi cá nhân được phát triển nhân cách, nâng cao trình độ giáo dục, gắn kết với đời sống xã hội và nghề nghiệp, thụ hưởng trọn vẹn các quyền công dân của mình. Mỗi cá nhân cần đạt được một bậc trình độ nhất định, với tỉ lệ 4/5 đậu tú tài, mở mọi cửa ngõ tiếp cận với nền giáo dục đại học.

1.2. Anh và xứ Wales

Là nước láng giềng với Pháp, lịch sử phát triển giáo dục phổ thông ở Anh và xứ Wales (từ đây gọi chung là nước Anh) có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên cũng có một số điểm khác biệt đặc sắc, tạo nên đặc trưng riêng của hai nền giáo dục. Chính sách giáo dục sơ cấp phổ quát (universal elementary education) cũng đã được áp dụng ở Anh từ những năm 1870. Trong suốt nhiều chục năm liền, nền giáo dục sơ cấp này chú trọng ba kĩ năng chính là đọc, viết và tính toán (3R – Reading, wRiting, numeRacy), dành cho học sinh đến độ tuổi 14. Từ năm 1926, “kì thi tuổi 11” (eleven plus examination) được tổ chức để tuyển lựa một số ít (khoảng 10%) học sinh xuất sắc từ các “trường bậc thấp” (junior school) đưa vào các trường trung học (secondary school), trong khi số còn lại tiếp tục học ở các trường bình thường hoặc chuyển sang các trường “trường bậc cao” (senior school), cho đến năm 14 tuổi học xong sẽ đi làm. Trong thời kì này, vai trò quan trọng đối với nền giáo dục phổ thông ở Anh không thuộc về chính quyền trung ương, mà là về các nhà chức trách giáo dục địa phương (Local Education Autorities – LEA). Giáo dục trung học hầu như chỉ dành cho những gia đình khá giả, có thể đáp ứng được yêu cầu về học phí của các trường trung học tư thục hay do LEA quản lí.

Chỉ đến khi Đạo luật Giáo dục 1944 ra đời, hệ thống giáo dục phổ thông Anh mới thay đổi một cách căn bản, với sự hình thành các “trường ngữ pháp” (grammar school), “trường trung học hiện đại” (secondary modern school) và “trường trung học kĩ thuật” (secondary technical school). Theo đó, các trường “trường ngữ pháp” (grammar school)(1) sẽ tiếp nhận khoảng 25 % học sinh xuất sắc nhất qua “kì thi tuổi 11”, với một chương trình giáo dục tám năm, dành cho học sinh ở độ tuổi 12-19, chuẩn bị lực lượng gia nhập giáo dục đại học. Số 75 % còn lại từ kì thi kết thúc bậc tiểu học sẽ được định hướng vào các “trường trung học hiện đại” theo một chương trình giáo dục bốn năm, kết thúc bậc giáo dục trung học với Chứng chỉ Ra trường (School Leaving Certificate). Về sau, một năm học nữa được bổ sung vào, kéo dài bậc học này lên năm năm, và học sinh tốt nghiệp sẽ được cấp Chứng chỉ Giáo dục Trung học (Certificate of Secondary Education). Các “trường trung học kĩ thuật” ban đầu được thiết kế để tiếp nhận các học sinh không qua được kì thi tiểu học để định hướng học nghề, nhưng hầu như không được triển khai trên thực tế. Cũng với đạo luật nói trên, các trường học công lập không thu học phí, còn độ tuổi giáo dục bắt buộc được nâng lên 16. Tuy vậy, sự bất công trong giáo dục vẫn còn thể hiện rất rõ, nhất là qua tỉ lệ rất thấp học sinh thuộc tầng lớp lao động tại các “trường ngữ pháp”. Vấn đề công bằng trong giáo dục lại được đặt ra trong những năm 1960, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu tổ chức trường học – thay thế ba loại hình trường nêu trên bằng “trường đại trà” (comprehensive school)(2) –, giảm bớt sự tách biệt giữa các cấp học và dần dần huỷ bỏ “kì thi tuổi 11” ở giai đoạn chuyển tiếp giữa hai bậc tiểu học và trung học.

Song song với vai trò của các nhà chức trách giáo dục địa phương trong việc đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ em từ 5 đến 16 tuổi, các trường (tư thục) độc lập được tạo điều kiện phát triển, dần dần tạo ra chỗ đứng vững chắc trong việc đào tạo lực lượng tinh hoa cho đất nước. Thời gian giáo dục bắt buộc ở bậc trung học tối thiểu là năm năm, tức từ 12 đến 16 tuổi. Trong khoảng 16-19 tuổi, học sinh có thể tiếp tục học tại các trường trung học, theo các chương trình dự bị đại học, hoặc ôn thi các loại chứng chỉ trung học khác nhau với nhiều loại hình trường lớp cả công lập lẫn tư thục. Từ những năm 1980, thay vì bắt buộc áp dụng một chương trình giáo dục quốc gia như Pháp, nước Anh đã chọn con đường xây dựng hệ thống tiêu chuẩn giáo dục với bộ “Mục tiêu Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo” (National Targets for Education and Training), khuyến khích các địa phương chủ động lựa chọn nội dung và xây dựng chương trình riêng theo định hướng của Chương trình Quốc gia (National Curriculum), thiết lập các cơ chế khảo thí và xếp hạng độc lập, củng cố bộ máy thanh tra giáo dục,... tất cả nhằm tăng cường quyền kiểm soát chất lượng giáo dục ở tầm quốc gia và làm cho lãnh đạo trường học có nhiều trách nhiệm về mặt quản lí hơn.

1.3. Các nước châu Âu khác

Ở các nước châu Âu khác, mặc dù có những đặc trưng văn hoá, tôn giáo, chính trị, kinh tế,... khác nhau, lịch sử phát triển giáo dục cũng có nhiều điểm tương đồng với Pháp và Anh. Nền giáo dục sơ cấp miễn phí và bắt buộc hầu như đều bắt đầu được áp dụng tại các nước này vào khoảng cuối thế kỉ XIX. Một số nơi đã có ý định mở rộng giáo dục trung học, tuy nhiên cũng chỉ mới giới hạn trong một phạm vi nhỏ nhằm đào tạo thành phần tinh hoa.

Cho đến sau Chiến tranh Thế giới lần II, mô hình phổ biến nhất là hai hoặc ba hệ thống cùng tồn tại song song. Thứ nhất là hệ thống trường tiểu học bậc cao (upper primary/senior school), chú trọng đào tạo nhóm kĩ năng 3R cho đại bộ phận dân cư vùng nông thôn và công nhân thiếu tay nghề trong lĩnh vực công nghiệp. Hệ thống thứ hai, ở một số nước được ghép chung với hệ thống thứ nhất, cung cấp một chương trình giáo dục trung học hiện đại trong 3-4 năm, chú trọng đào tạo lớp công nhân lao động có tay nghề, tiếp cận kịp với sự tiến bộ công nghệ, phục vụ mục đích phát triển kinh tế. Và sau cùng là hệ thống đào tạo khoa bảng, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận tinh hoa muốn tiếp tục đi theo theo đuổi bậc giáo dục đại học.

Giáo dục trung học châu Âu chỉ bùng nổ từ những năm 1950-1960, sau khi được khởi đầu tại Anh và Pháp, do sự kết hợp giữa ba yếu tố: kinh tế (gia tăng nhu cầu công nhân đã qua đào tạo bài bản), chính trị (chính quyền phải mở rộng giáo dục để đảm bảo công bằng xã hội), nhu cầu gia đình (người dân cần được đào tạo nhiều hơn do khác biệt về thu nhập và tỉ lệ thất nghiệp). Đến những năm 1980-1990, bối cảnh kinh tế-chính trị mới lại tạo nên một làn sóng phát triển thứ hai trong giáo dục trung học tại các nước châu Âu.

2. Xu hướng giáo dục phổ thông đầu thế kỉ XXI ở các nước công nghiệp phát triển

Sự thay đổi của chính sách giáo dục trong khoảng 30 năm cuối thế kỉ XX chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những biến chuyển trong môi trường kinh tế xã hội tại các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1970-1980. Chính quyền các nước buộc phải đưa ra nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu công, và trong lĩnh vực giáo dục yêu cầu gia tăng hiệu quả sử dụng ngân sách được thắt chặt, làm tiền đề thúc đẩy xu thế phân cấp quản lí, giao quyền tự chủ cho trường học và tư nhân hoá giáo dục. Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm người lao động trẻ ngày càng gia tăng do các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tự động hoá hoặc chính sách chuyển vị công nghiệp (industrial delocalization) để đối phó với tình trạng suy thoái. Mặc khác, theo đà tiến bộ công nghệ, yêu cầu về nhân công có trình độ tay nghề cao cũng được nâng cao, tạo áp lực cho chính quyền phải tạo cơ hội để giới trẻ có thể hoàn tất bậc giáo dục trung học phổ thông. Trên cơ sở đó, nhiều chiến lược tổ chức giáo dục, đào tạo đã ra đời và được áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau. Đáng kể nhất là sự phân luồng ở bậc trung học phổ thông, với một nhánh theo hướng giáo dục chuyên nghiệp nhằm kết hợp học kiến thức với học nghề, áp dụng nhiều phương thức đào tạo mới như thực tập, xen kẽ thực hành-lí thuyết, tăng cường các yêu cầu về kĩ năng nghề nghiệp trước khi cấp bằng,...

Cũng trong thời gian này, quá trình toàn cầu hoá ngày càng lan rộng và gây ảnh hưởng lớn đến các loại hình nghề nghiệp, tổ chức công việc và kĩ năng lao động. Đặc biệt, tỉ lệ người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp suy giảm mạnh, để cho lĩnh vực dịch vụ chiếm ưu thế hoàn toàn (đến 71 % ở Anh và Pháp năm 1998). Đến cuối thế kỉ XX, nền kinh tế của các nước phương Tây tăng trưởng chủ yếu dựa vào dòng thông tin và tri thức mới hơn là vào sản xuất công nghiệp; khái niệm kinh tế tri thức hay kinh tế hậu công nghiệp xuất hiện từ đó. Những thách thức mới được đặt ra cho nền giáo dục, làm sao để tạo ra được những lớp người lao động có tính năng động cao, có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau, thậm chí phải thay đổi công việc nhiều lần trong đời. Giáo dục trung học mang thêm một sứ mệnh mới: cung cấp cho người học một nền tảng kiến thức đủ rộng, bền vững và chất lượng để có thể dễ dàng lĩnh hội được các kĩ năng và kiến thức cần thiết cho những công việc mà mình sẽ đảm trách trong tương lai. Ngược lại, mức thu nhập cao của những người có năng lực nổi trội lại trở thành một sức hút mạnh mẽ cho những người khác theo đuổi các chương trình giáo dục, đào tạo nâng cao và chuyên sâu hơn.

Ở tầm vĩ mô, quá trình toàn cầu hoá cũng kích thích tính cạnh tranh giữa các quốc gia và các doanh nghiệp. Chính quyền nước nào cũng quan tâm đặc biệt đến giáo dục và việc đào tạo kĩ năng cho lực lượng lao động, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư trên toàn cầu. Trước sự thống trị của trào lưu tân tự do, chính sách giáo dục của các quốc gia cũng dần điều chỉnh, từ hướng tập trung cho nguồn lực đầu vào sang hướng kiểm soát đầu ra, nhằm đảm bảo chất lượng của các hệ thống giáo dục công lập, bởi nguồn lực con người là yếu tố then chốt của tăng trưởng kinh tế. Theo hướng đó, nhiều nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD) đã tăng cường phân cấp quản lí cho các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương, để tập trung vai trò của trung ương vào việc thiết lập hệ thống tiêu chuẩn giáo dục và các cơ quan đánh giá, khuyến khích áp dụng phương thức đánh giá liên tục kiến thức và kĩ năng của học sinh, sinh viên trong suốt quá trình giáo dục, đào tạo. Các cơ chế đánh giá và so sánh quốc tế cũng được áp dụng ngày càng nhiều nhằm đo lường đánh giá các khía cạnh khác nhau của một nền giáo dục quốc gia dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Ở đây, có thể thấy yếu tố kĩ năng làm việc của sinh viên đóng một vai trò quan trọng trong cách hiểu về chất lượng giáo dục. Bối cảnh xã hội mới đòi hỏi họ không phải chỉ có đủ kiến thức trong đầu, mà còn phải biết cách ứng xử trước nhiều tình huống thực tế khác nhau, biết tự tạo dựng kiến thức cả tổng quát lẫn chuyên sâu, và hơn thế, còn phải biết tự rèn luyện cho mình những kĩ năng xã hội thiết yếu như tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Không chỉ có vậy, giáo dục phổ thông còn được nhìn nhận theo một triển vọng dài hạn, ở đó những người trẻ còn phải biết đối diện với bất trắc, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của bản thân, có ý chí tự học liên tục suốt đời để không chỉ chuẩn bị cho những công việc có sẵn mà còn đón đầu những công việc mới trong tương lai.

Một khía cạnh khác của toàn cầu hoá, đó là môi trường xã hội ở các nước OECD ngày càng mang đậm dấu ấn đa văn hoá, do quá trình di cư diễn ra ngày càng mạnh, do nhiều nguyên nhân: thói quen có nguồn gốc lịch sử; khoảng cách chênh lệch trong trình độ phát triển giữa các nước và các khu vực; bất ổn chính trị,... Tất cả đều ảnh hưởng sâu sắc đến nền giáo dục phổ thông và cả đến các giá trị xã hội ở các nước này. Và bản Báo cáo Delors đã xác định bốn cột trụ nâng đỡ nền giáo dục tiểu học và giáo dục trung học: học để biết, học để làm, học để sống cùng nhau và học để thành người(3). Ngoài nhiệm vụ tích luỹ kiến thức cho các mục tiêu kinh tế, giáo dục còn phải tập trung sự chú ý vào các giá trị và chuẩn mực xã hội để giúp người trẻ biết cách xác lập thái độ của mình một cách dễ dàng hơn trước một thế giới biến động liên tục không ngừng. Một nghiên cứu do OECD tiến hành đã phác hoạ ba nhóm kĩ năng cơ bản giúp kết hợp hài hoà giữa đời sống cá nhân và đời sống nghề nghiệp, bao gồm:

  1. khả năng hành động độc lập và có suy nghĩ;

  2. khả năng chứng minh sáng kiến, tự đánh giá, ra quyết định, có một trình độ trí óc nhất định thích hợp với tư duy trừu tượng;

  3. khả năng lĩnh hội các giá trị và chuẩn mực xã hội, kết nối và sống được trong một nhóm xã hội hỗn hợp.

Cuối cùng, hệ thống giáo dục ở các nước phương Tây còn phải đối mặt với hai thách thức lớn về mặt dân số: sự suy giảm tỉ lệ dân cư trong độ tuổi đi học và tình trạng già đi của dân số nói chung. Bởi một mặt, sự ổn định số lượng người đi học sẽ đảm bảo vấn đề tài chính cho cả giáo dục trung học và đại học. Mặt khác, độ tuổi lao động của giới trẻ ngày nay sẽ kéo dài hơn so với các thế hệ trước. Trong khi đó, tốc độ phát triển cao của công nghệ đã khiến cho kiến thức nói chung nhanh chóng rơi vào lạc hậu. Và một lần nữa, đào tạo ra những thế hệ có năng lực tự học liên tục và suốt đời trở thành mục tiêu trọng tâm của giáo dục. Điều tréo ngoe là để thực hiện tốt mục tiêu đó, các nước công nghiệp phát triển lại vấp phải một khó khăn khác, đó là sự thiếu hứng thú đối với ngành giáo dục của giới trẻ, trong khi độ tuổi trung bình của giáo viên phổ thông ngày càng tăng. Tuyển dụng những thế hệ giáo viên mới, trẻ trung, năng động đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt của chính quyền các nước nhằm nâng cao vị thế và vai trò của nghề giáo.

(Còn tiếp)

===

Chú thích:

(1) Nguyên thuỷ là nơi dạy tiếng Latin và các môn sinh ngữ cổ điển, sau mở rộng ra dạy cả các môn khoa học tự nhiên, toán, lịch sử, địa lí,... (NTĐ)

(2) Một từ khác được nhiều người dùng là “trường hỗn hợp”, nhưng không phản ánh đúng bản chất của loại hình trường này là: tuyển sinh đại trà không phân biệt trình độ đầu vào, chương trình học bao gồm đủ các nội dung kể cả các môn mang tính kĩ thuật và nghề nghiệp, không có tính chọn lọc tinh hoa như các “trường ngữ pháp”. (NTĐ)

(3) Tiếng Anh: Learning to know, learning to do, learning to live together and learning to be; tiếng Pháp: Apprendre à connaître, apprendre à faire, apprendre à vivre ensemble et apprendre à être (Delors J et al. 1996. Learning: the treasure within. Paris, France: UNESCO. Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty-first Century. Report No.: ED.96/WS/9. Available at : http://www.unesco.org/delors/). (NTĐ)

 

Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm