KhoahọcViệt.info

  • Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

Khoa học quản lí giáo dục Việt Nam: cần sự cân bằng giữa kinh nghiệm thực hành và nghiên cứu khoa học

Tác giả: Nguyễn Tấn Đại1

[Bài bình sách: Trần Kiểm. Khoa học quản lý giáo dục : Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Giáo dục, 2008.]

Trong tác phẩm này, Trần Kiểm, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã khái lược sự ra đời của một chuyên ngành khoa học mới, dù chưa hoàn chỉnh, trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam. Tác giả đã cố gắng tổng hợp, đối chiếu những học thuyết lí luận chủ đạo vào thực tiễn giáo dục nhằm xây dựng một mô hình mới cho khoa học quản lí giáo dục Việt Nam.

Quyển sách dày trên 300 trang, bao gồm sáu chương và một lời tựa ngắn do chính tác giả viết, nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển chuyên ngành khoa học quản lí giáo dục, mặc dù bối cảnh học thuật và kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tác giả mở đầu chương thứ nhất với những khái niệm chung về quản lí, để dẫn dắt đến các tư tưởng và lí luận quản lí trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Từ đó, ông đề cập chi tiết một số học thuyết quản lí của phương Tây, chủ yếu được hình thành và phát triển trong thế kỉ XX. Nền tảng lí thuyết này cho phép tác giả mạnh dạn đặt ra, trong chương thứ hai, những “viên gạch” đầu tiên của “toà nhà” (trong ngoặc kép là chữ dùng của chính tác giả quyển sách - NTĐ) quản lí giáo dục, loại hoạt động mà ông xem là “hoạt động có ý thức của con người nhằm đeo đuổi những mục đích của mình”. Trước tiên, tác giả Trần Kiểm cố gắng gắn những quan niệm mang tính chất lí luận về “quản lý” với một số kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, để sau đó phân biệt ra hai cấp độ quản lí giáo dục chủ yếu là vĩ mô và vi mô. Tiếp theo, tác giả đi vào phân tích bản chất của quản lí giáo dục qua nhiều mặt khác nhau; trong đó, về mặt phương pháp luận nghiên cứu thì ông cho rằng khoa học quản lí giáo dục có hai nền tảng quan trọng là chủ nghĩa Mác-Lênin và “phép biện chứng mác-xít của cái khách quan và cái chủ quan”. Cũng trong chương này, tác giả nêu ra những đặc điểm chung của khoa học quản lí giáo dục như: tính liên ngành với nhiều khoa học khác; tính ứng dụng cao, việc nghiên cứu bắt nguồn từ thực tiễn và thành tựu cần được áp dụng vào thực tiễn; sự cần thiết phải đảm nhận đầy đủ cả ba chức năng mà, theo ông, bất cứ ngành khoa học cũng đều phải có: chức năng nhận thức, chức năng cải tạo và chức năng dự báo.

Chương ba là chương dài nhất, chiếm một phần ba nội dung quyển sách, có tựa là “Quá trình quản lý giáo dục”. Phần lớn chương này được dành cho việc chứng minh ý tưởng “quản lý giáo dục là một quá trình”, thông qua phân tích tường tận chi tiết các chức năng, hệ thống nguyên tắc, các phương pháp và các công cụ quản lí giáo dục. Phương pháp phân tích ở đây mang tính chất minh hoạ là chủ yếu, thỉnh thoảng xen kẽ một vài học thuyết quản lí phương Tây, nhưng cốt lõi vẫn là một hệ tư tưởng tổ chức quản lí xã hội theo mô hình Xô-viết trước đây hay hiện nay là một mô hình đặc thù Việt Nam: định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chương bốn của quyển sách được dành trọn cho vấn đề đổi mới quản lí giáo dục. Xu thế đổi mới giáo dục và quản lí giáo dục được tác giả điểm lại chủ yếu thông qua các tuyên ngôn về giáo dục của UNESCO trong những năm 1990-2000, làm cơ sở cho những khẳng định tiếp theo về thách thức và thời cơ đối với quản lí giáo dục cũng như tầm quan trọng của đổi mới công tác quản lí nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Một kinh nghiệm thực tiễn được tác giả nêu ra trong phần này, đó là vấn đề xã hội hoá giáo dục ở Cẩm Bình2, nơi ông xem là mô hình kiểu mẫu của cộng đồng giáo dục cấp xã trong cả nước. Đoạn kết chương mô tả một vài hướng tiếp cận hiện đại về quản lí áp dụng cho giáo dục, mà tác giả gọi là “quản lý chất lượng tổng thể trong giáo dục” (Total Quality Management in Education) và “quản lý dựa vào nhà trường” (School-Based Management), chủ yếu dành cho các nhà quản lí giáo dục nhằm giúp họ vận dụng vào công việc của mình.

Chương năm tương đối ngắn, nhưng mang tựa tương đối dài “Lao động quản lý giáo dục và hiệu quả lao động quản lý giáo dục”. Ở đây tác giả Trần Kiểm giải thích khái quát vai trò của “lao động quản lý giáo dục”, làm tiền đề để nêu ra các đặc điểm và nội dung của “lao động quản lý giáo dục”, trước khi đi đến định nghĩa và diễn giải một thuật ngữ mà ông gọi là “hiệu quả lao động quản lý giáo dục”.

Trong chương thứ sáu, cũng là chương cuối cùng của quyển sách, tác giả khẳng định tình hình cấp bách của việc nghiên cứu khoa học trong quản lí giáo dục. Theo ông, cần thiết phải củng cố chuyên ngành khoa học này để tạo thành một khâu đột phá, “góp phần đắc lực nhằm thực hiện mục tiêu kép : vừa góp phần phát triển giáo dục lại vừa phát triển lý luận quản lý giáo dục”. Từ đó, tác giả Trần Kiểm đã nêu ra một mô hình “tam giác hình thành Khoa học quản lý giáo dục”, bao gồm ba “trụ cột”: đổi mới công tác quản lí giáo dục, đẩy mạnh nghiên cứu lí luận quản lí giáo dục và đào tạo quản lí cán bộ giáo dục. Kết thúc quyển sách là những gợi ý của tác giả về việc “triển khai nghiên cứu đề tài quản lý giáo dục của nghiên cứu sinh và học viên cao học”, chủ yếu là chỉ dẫn khái lược cấu trúc đề cương và cách viết các phần trong một báo cáo khoa học.

Đọc xong tác phẩm này, với những điểm chính vừa thuật lại ở trên, điểm đáng chú ý nhất còn đọng lại dường như nằm ở chủ đề khảo cứu. Thật vậy, ở Việt Nam, khoa học quản lí giáo dục vẫn được xem là một chuyên ngành mới, trong một lĩnh vực vốn ít được nghiên cứu một cách bài bản và ít có sự giao lưu ra giới học thuật quốc tế. Đây chính là trở ngại lớn nhất khiến tác giả không có được những nguồn dữ liệu học thuật chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục nói chung và quản lí giáo dục nói riêng, đành phải dựa vào các tư tưởng, lí luận và học thuyết quản lí xã hội hay kinh tế tự cổ chí kim để nói về quản lí giáo dục. Vì vậy, mặc dù nỗ lực tạo dựng những nền tảng lí thuyết cho chuyên ngành khoa học quản lí giáo dục, ngôn ngữ và văn phong của cuốn sách vẫn còn nặng nề, hàm chứa nhiều lỗ hổng, với nhiều biện giải mang tính triết học và minh hoạ hơn là khoa học luận.

Điểm yếu đầu tiên là cuốn sách không có một đường dây dẫn dắt chủ đạo nào, nhất là trong lối phân tích minh hoạ ít đào sâu vào các khía cạnh khoa học của vấn đề. Các đoạn và các ý cũng thường ít khi gắn bó chặt chẽ với nhau. Giữa các chương và các mục trong cùng chương chỉ là các đoạn nội dung tách biệt đặt bên cạnh nhau mà hầu như không có những ý chuyển tiếp giúp kết nối mạch đọc cho liền lạc, nhịp nhàng. Có thể dễ dàng nhận thấy sự cộng gộp đơn giản này xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, không thể giúp tác giả làm nổi bật lên được những vấn đề cốt lõi của chuyên ngành khoa học này. Và cuối cùng, một nhược điểm quan trọng nữa mà cuốn sách này mắc phải, đó là lượng tài liệu tham khảo hết sức nghèo nàn và thiếu sót. Trên dưới 300 trang sách chỉ liệt kê trích dẫn được khoảng 30 tài liệu tham khảo, trong đó hết hai phần ba là các tài liệu thuộc lĩnh vực triết học và quản lí hành chính. Một phần ba còn lại có ít nhiều liên quan đến lĩnh vực giáo dục hay quản lí giáo dục, nhưng hầu hết cũng chỉ là các nghị quyết hay văn bản luật và quản lí hành chính nhà nước về giáo dục, và những nguồn thuần tuý khoa học về giáo dục là hết sức hiếm hoi3.

Chính vì vậy, với cuốn sách này, tác giả Trần Kiểm gần như chỉ nêu ra một hướng tiếp cận triết học về quản lí giáo dục hơn là xây dựng nền tảng cho một chuyên ngành khoa học đích thực. Bản thân ông cũng thừa nhận sự thiếu vắng các công trình khoa học trong lĩnh vực này ở Việt Nam cũng như sự gián đoạn thông tin với cộng đồng khoa học giáo dục quốc tế, và điều đó đã không cho phép ông có cái nhìn phân tích sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, nhược điểm phổ biến về tư duy khoa học là kiểu lí luận chung chung thường thấy trong lĩnh vực khoa học xã hội ở Việt Nam đã dẫn tác giả đến chỗ thiếu cái nhìn khách quan và lí luận giản đơn về những kinh nghiệm tích luỹ được trong thực tiễn quản lí giáo dục. Đây là ấn tượng thường trực suốt từ đầu đến cuối cuốn sách.

Tuy nhiên, dù tác phẩm này còn nhiều khiếm khuyết cả về lí thuyết và phương pháp khoa học giáo dục, cần phải thừa nhận những nỗ lực và tinh thần cởi mở của tác giả, nhất là khi cố gắng đưa các học thuyết quản lí hiện đại của phương Tây vào vận dụng trong thực tiễn quản lí giáo dục Việt Nam. Và hơn hết, cuốn sách này là lời khẳng định cần phải có một cái nhìn khác đi về khoa học quản lí giáo dục, kết hợp hài hoà hơn giữa kinh nghiệm thực hành và hoạt động nghiên cứu khoa học./.

Chú dẫn:

1 Bài do tác giả dịch và đặt lại tựa, từ bài báo gốc tiếng Pháp : Nguyên Tân Dai. 2012. Kiêm, T., Science de gestion de l’éducation : Quelques problématiques théoriques et pratiques. Questions Vives, 7(17): 179-181. Địa chỉ trực tuyến: <http://questionsvives.revues.org/1062>.

2 Cẩm Bình: một xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, được xem là “một điểm sáng về giáo dục” từ những năm 1970, hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng trong lĩnh vực giáo dục vào các năm 1986 và 2005 (NTĐ).

3 Ở đây còn chưa nói đến việc phần lớn các tác giả nước ngoài được trích dẫn đều là do tác giả cuốn sách (Trần Kiểm) đọc gián tiếp thông qua các bản dịch tiếng Việt chứ hiếm khi được dẫn từ nguyên bản. (NTĐ)


Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư:
 
Website:
Tựa:
UBBCode:
[b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] 
 
 
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P
:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
 
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

 

Tìm kiếm